Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Phó giáo sư nghiên cứu phòng chống tiểu đường, béo phì

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trở thành một trong 2 nhà khoa học đoạt giải thưởng chính của giải Tạ Quang Bửu, PGS-TS Phạm Văn Hùng được tiếp thêm động lực để tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

PGS-TS Phạm Văn Hùng trong phòng thí nghiệm
PGS-TS Phạm Văn Hùng trong phòng thí nghiệm



Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 (thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) công bố giải thưởng chính thuộc về 2 nhà khoa học, trong đó có PGS-TS Phạm Văn Hùng, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM. Công trình khoa học giúp tiến sĩ Hùng đoạt giải có tên “Nghiên cứu cơ chế hình thành dạng tinh bột không bị thủy phân ứng dụng trong phòng chống các bệnh tiểu đường và béo phì”, là một trong những sản phẩm của đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc chuyên ngành sinh học nông nghiệp do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ VN tài trợ giai đoạn 2013-2015.

Trong công trình này, tiến sĩ Hùng và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về mối liên quan giữa cấu trúc phân tử của tinh bột gạo và khả năng tiêu hóa in vitro và khả năng sinh đường in vivo, nhằm tìm ra cơ chế kháng lại sự thủy phân của tinh bột đối với hệ enzyme tiêu hóa trong cơ thể người.

“Để hạn chế khả năng sinh đường của các loại tinh bột gạo, nhóm đã sử dụng phương pháp biến đổi vật lý để tạo ra loại tinh bột có chỉ số đường huyết (Glycaemic index) ở mức trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp sử dụng cho các bệnh nhân béo phì, tiểu đường và người ăn kiêng”, tiến sĩ Hùng cho biết.

Các kết quả của công trình có ý nghĩa cả về mặt khoa học cơ bản và ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm và chuyên ngành hóa hữu cơ. Công trình đã được đánh giá cao khi được chấp nhận đăng trên tạp chí Food Chemistry, xếp hạng 9-273 tạp chí chuyên ngành và đã được trích dẫn 30 lần trong giai đoạn 2016 - 2017.


Tiến sĩ Phạm Văn Hùng tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khóa 93 - 98. Khi chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp thì ông được PGS-TS Mai Văn Lề đề xuất hướng nghiên cứu về biến tính các loại tinh bột củ. Nhận thấy hướng nghiên cứu này có tính ứng dụng trong đời sống rất cao nên tiến sĩ Hùng đã đồng ý. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh Hùng được nhận học bổng của Chính phủ VN đi học tiến sĩ năm 2002 tại Nhật, với hướng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng. Tiến sĩ Hùng tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Nhật 2 năm và ở Canada 1 năm trước khi về công tác tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM. Hiện anh là Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ sinh học.

“Ở các nước thì ngành công nghiệp thực phẩm đều được chú trọng phát triển. Các trường ĐH lớn trên thế giới đều có ngành công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng. Các vấn đề nghiên cứu về thực phẩm và dinh dưỡng cũng rất quan trọng và luôn luôn mới. Đặc biệt VN là nước có các sản phẩm nông nghiệp phong phú. Vì thế mình đã chọn lĩnh vực sinh học nông nghiệp này để phát triển nghiên cứu”, tiến sĩ Hùng chia sẻ.

Nói về niềm vui được nhận giải thưởng, vị phó giáo sư trẻ cho rằng: “Khi công trình nghiên cứu của bản thân và nhóm được công nhận, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Hạnh phúc vì được nghiên cứu, cống hiến cho xã hội những thành quả có ích”.

Đến nay, tiến sĩ Phạm Văn Hùng đã công bố hơn 40 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, hơn 30 bài báo trong nước và quốc tế khác, là tác giả 1 cuốn sách và 2 chương sách quốc tế. Các bài báo của tiến sĩ Hùng và nhóm nghiên cứu đã được các tác giả khác trích dẫn gần 2.000 lần. Hệ số H-index (thể hiện mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học) của tiến sĩ Hùng là 22.

Mỹ Quyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm