Xã hội

Lao động - Việc làm

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 372/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất của Tổ công tác ngày 8-9-2023.

Theo Thông báo, Phó Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương các kết quả đạt được trong công tác cải cách TTHC thời gian qua, đây là tín hiệu tích cực thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp do một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, ưu tiên, quyết liệt chỉ đạo đối với công tác cải cách TTHC. Qua thực tiễn triển khai, bộ, ngành, địa phương nào người đứng đầu quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì ở đó công tác này có chuyển biến tích cực.

Hướng dẫn người dân làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Hướng dẫn người dân làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Thứ hai, tư duy, cách làm, việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cắt giảm TTHC chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; Thứ ba, một số bộ, cơ quan chưa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Thứ tư, TTHC nội bộ còn rườm rà, phức tạp; công tác phối hợp chưa hiệu quả dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc trong nội bộ cơ quan nhà nước cũng như cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, nhiều nơi vẫn giữ thói quen làm việc thủ công, giấy tờ truyền thống, không chịu cải cách, thay đổi cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xử lý công việc.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng đã đưa ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, về phía các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong triển khai cải cách TTHC. Kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu và cán bộ, công chức của bộ, cơ quan, các cấp chính quyền địa phương.

Tập trung cải cách quy trình, TTHC nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đáp ứng hai yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay trong quá trình dự thảo văn bản, bảo đảm chỉ ban hành các quy định cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp.

Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính từ trung ương cho địa phương và trong nội bộ từng bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ, ngành cần tập trung vào khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, hạn chế sa vào công việc sự vụ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách TTHC để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt, có kết quả, sản phẩm cụ thể đối với các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 6-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp có những TTHC được quy định trong luật, pháp lệnh mà chưa thể cắt giảm được ngay, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác trước ngày 30-9-2023.

Về phía các thành viên Tổ công tác, Phó Thủ tướng yêu cầu từng đồng chí thành viên chủ động và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Quy chế hoạt động của Tổ công tác. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ-Cơ quan thường trực Tổ công tác trình Tổ trưởng Tổ công tác có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ công tác.

Tổ công tác luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Đề nghị các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC kịp thời tổng hợp vướng mắc, khó khăn định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Cơ quan thường trực Tổ công tác-Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét chỉ đạo tháo gỡ.

Có thể bạn quan tâm