Xã hội

Phòng-chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái: Nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12, Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2021 hướng đến mục đích đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. 
Nhiều vụ bạo lực gia đình    
Dù đã có với nhau 2 mặt con nhưng chị Kpuih L. và anh Ksor B. (làng Tel, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) luôn bất hòa. Anh B. ngày càng lười biếng lại rượu chè, vũ phu. Bức xúc đến chịu không nổi, mẹ con chị L. phải dọn sang nhà dì tá túc. Anh B. tìm đến mẹ con chị xin lỗi và hứa không đánh vợ nhưng rốt cuộc vẫn chứng nào tật ấy. Chị L. cũng đã nhiều lần nhờ đến tổ hòa giải của làng giúp đỡ nhưng hạnh phúc gia đình vẫn chông chênh khi anh B. không chịu thay đổi tâm tính. 
Những năm gần đây, cơ quan chức năng phát hiện, can thiệp nhiều vụ bạo lực gia đình. Tuy vậy, nhiều phụ nữ vẫn cam chịu, ngại tố cáo vì sợ “xấu chàng hổ ai”. Tình trạng đó dẫn đến không ít phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn âm thầm chịu đựng cảnh bị chồng ngược đãi. Không ít câu chuyện đau lòng đã xảy ra từ đó. Như năm 2019, tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), L.V.K.  đã dùng dao đoạt mạng vợ. Nguyên nhân dẫn đến án mạng là do K. uống rượu bị loạn thần và ghen tuông mù quáng. 
Tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Đinh Yến
Tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh tình trạng bạo lực với phụ nữ thì xâm hại trẻ em nữ cũng là thực trạng nhức nhối, chưa được ngăn chặn triệt để. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, toàn tỉnh có đến hàng trăm vụ liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện.
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 1.000 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 vụ ly hôn, trong đó gần 60% số vụ có nguyên nhân từ ngược đãi, đánh đập. 
Tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động, giải pháp để phòng-chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái. Một số địa phương thành lập các câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, nhóm phòng-chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng... để hỗ trợ chị em kịp thời.
Ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: Sở phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo thành lập 1.274 “địa chỉ tin cậy” tại các xã, thị trấn với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chị em một cách thiết thực. Bên cạnh đó, Sở phối hợp tổ chức Hội tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Hội thi vẽ tranh “Gia đình yêu thương”, Ngày hội “Gia đình ấm áp yêu thương”; phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Trong khi đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ, góp phần kéo giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh-cho biết: Trong Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2021, Sở chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo quy định. Cụ thể, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện phối hợp hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng Hành động bằng nhiều hình thức đa dạng như treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, trên hệ thống phát thanh-truyền hình, trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Cùng với đó, tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng Hành động; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng Hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn phòng-chống dịch Covid-19.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm