TN - Đất & Người

Phòng-chống cháy, nổ mùa hanh khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong mùa hanh khô, vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy

Nhà máy Thủy điện Sê San có 3 tổ máy với công suất 360 MW, là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 sau thủy điện Ia Ly trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Sê San. Với nhiều trang-thiết bị hiện đại, được đặt trong không gian kín, đây là nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.  Vì vậy, hàng năm, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San đều rà soát các phương án PCCC của các hạng mục công trình, thiết bị điện, trang bị kỹ năng cho lực lượng chữa cháy tại chỗ...

 

Triển khai phương án diễn tập chữa cháy giả định tại Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: L.A
Triển khai phương án diễn tập chữa cháy giả định tại Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: L.A

Ông Nguyễn Minh Khứ-Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Ngay khi phát hiện sự cố hoặc có dấu hiệu xảy ra sự cố về điện, nhiệt, Công ty sẽ phối hợp với đơn vị PCCC chuyên ngành để khắc phục. Các thiết bị PCCC tại chỗ cũng thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu dập lửa, cứu nạn cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra. Qua các buổi diễn tập, tập huấn hàng năm, Công ty đánh giá lại những tồn tại, hạn chế và có kế hoạch nhờ lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương giúp đỡ khắc phục.

Còn với Cảng Hàng không Pleiku, hàng năm, lực lượng an ninh sây bay, cán bộ, công nhân viên được  Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh hướng dẫn, tập huấn chuyên đề về các phương án PCCC theo quy định của Bộ Công an. Ngày 17-11 vừa qua, Cảng Hàng không Pleiku đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy giả định với tình huống máy bay sau khi hạ cánh thì phát hiện có sự cố cháy trên khoang hành khách.

Ngay khi tín hiệu báo cháy phát đi, lực lượng chữa cháy tại chỗ thực hành thuần thục thao tác cứu người bị nạn, sơ tán tài sản có giá trị. Sau 5 phút, 3 xe chữa cháy đã có mặt tại hiện trường, nhanh chóng sử dụng vòi rồng dập tắt đám cháy. Tham gia buổi diễn tập, ông Nguyễn Văn Đạt-Đội trưởng Đội An ninh Hàng không Sân bay Pleiku, chia sẻ: Cảng Hàng không Pleiku luôn chú trọng việc tập huấn, diễn tập các phương án PCCC. Nhờ đó, đội chữa cháy chuyên ngành được huấn luyện thường xuyên, công tác PCCC của  đơn vị trong những năm qua luôn được đảm bảo; ý thức của cán bộ, công nhân viên từng bước nâng cao và biết sử dụng thành thạo các thiết bị chữa cháy tại chỗ.

Kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm

Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị tích cực, chủ động trong công tác PCCC thì một số cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, chủ quan đối với công tác này, thậm chí tìm cách đối phó với cơ quan chức năng. Qua kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán karaoke, chợ, trung tâm thương mại cho thấy vẫn tồn tại nhiều vi phạm, với các lỗi chính là không có hệ thống báo cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm không đảm bảo hoặc có hệ thống PCCC nhưng không thể vận hành, thiết bị chữa cháy hết hạn sử dụng, công tác tập huấn mang tính hình thức…  Đây chính là các nguyên nhân  khiến khi sự cố cháy, nổ xảy ra thì hậu quả để lại hết sức nặng nề về người và tài sản.

Trong năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như: vụ cháy chợ huyện Kông Chro vào lúc 0 giờ ngày 6-2 gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; cháy trang trại nuôi heo của ông Đinh Duy Cường tại huyện Ia Pa vào khoảng 4 giờ ngày 13-4 gây thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng; vụ cháy xe khách trên địa phận thị xã An Khê vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 10-11 gây thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng… Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, cho biết: “Những vụ cháy lớn trong thời gian qua thường diễn ra vào lúc đêm khuya, rạng sáng nên công tác chữa cháy, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Do đó, người đứng đầu các đơn vị, địa phương, cơ sở cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời chú trọng đầu tư kinh phí cho các hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ nhằm đảm bảo xử lý tốt các sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý”.

 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ cháy, làm hàng chục người bị thương, gây thiệt hại số tiền gần 7 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện và do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt chiếm trên 70% số vụ. 

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC, từ đầu tháng 10 đến ngày 20-11, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn nghiệp vụ với hơn 1.200 người tham gia. Qua công tác kiểm tra tại các cơ sở vui chơi giải trí, quán karaoke, quán bar trên địa bàn, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập 4 biên bản. Lực lượng kiểm tra PCCC các chuyên ngành, chuyên đề lập 939 biên bản kiến nghị, nhắc nhở các cơ sở khắc phục những tồn tại, thiếu sót; xử phạt hành chính 74 trường hợp với tổng số tiền trên 38 triệu đồng.

“Dịp cuối năm, khi các cơ sở kinh doanh tập trung lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thì nguy cơ xảy ra cháy, nổ càng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng, mỗi người dân, đơn vị cũng cần nâng cao nhận thức về các nguyên tắc an toàn PCCC thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra”-Thượng tá Đặng Ngọc Hùng cho biết thêm.

Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm