Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực: Tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2023. Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, hội nghị đã tập trung thảo luận và đề ra những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Lấy phòng ngừa là chính

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trong quý I, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 12 chương trình, kế hoạch, quy định, công văn chỉ đạo, triển khai thực hiện và 4 báo cáo định kỳ; tổ chức 4 hội nghị triển khai thực hiện công tác PCTN, tiêu cực.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra 2 tổ chức Đảng và 6 đảng viên; giám sát 1 tổ chức Đảng và 3 đảng viên theo quy định; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo giải quyết 5 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đến nay đã giải quyết xong 1 vụ án; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết 4 vụ án, vụ việc. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Ban Chỉ đạo theo quy định.

Gợi ý thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng: Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, lấy phòng ngừa là chính, nhưng cương quyết xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, để phòng ngừa thì cơ quan, đơn vị phải tự thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm trong nội bộ; ngành thanh tra, kiểm tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phát hiện, xử lý.

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức cho rằng: Trong quý I, Thanh tra tỉnh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh tài sản năm 2023. Theo đó, tiến hành xác minh tại 11 đơn vị (9 sở, ban, ngành và 2 UBND cấp huyện) với 47 người. Đồng thời, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 2.091 bản kê khai tài sản của các đối tượng thuộc quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh.

“Kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Trong năm 2023, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai tài sản không trung thực, giấu tài sản sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”-Chánh Thanh tra tỉnh nêu rõ.

Tự kiểm tra, giám sát để PCTN, tiêu cực là giải pháp quan trọng được nhiều đại biểu đưa ra. Bí thư Huyện ủy Krông Pa Tô Văn Chánh cho biết: “Tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị là giải pháp quan trọng. Nếu làm tốt việc này thì các sai phạm sẽ bị phát hiện, xử lý sớm, tránh bị thất thoát tài sản, tài chính cũng như giảm thiểu cán bộ bị kỷ luật. Đây cũng là cơ sở để sau này xử lý người đứng đầu nếu trong cơ quan, đơn vị của mình xảy ra tham nhũng, tiêu cực”.

Không có vùng cấm, ngoại lệ

Theo đánh giá tại hội nghị, công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Trong quý I, ngành Thanh tra triển khai 47 cuộc thanh tra hành chính tại 131 đơn vị, đã kết thúc và kết luận 16 cuộc tại 29 đơn vị, phát hiện sai phạm về tài chính tại 26 đơn vị với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Qua đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 35 ngàn m2 đất giao UBND huyện quản lý; chuyển hồ sơ 2 vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra các cấp để xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 14 cá nhân.

Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng thông tin: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành 3 cuộc thanh tra tại 14 trường học, kết quả đã thu hồi 76 triệu đồng. Đặc biệt, qua thanh tra, chúng tôi phát hiện 1 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nên đã chuyển cho Công an huyện điều tra theo quy định. Quan điểm của huyện là thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không bao che”.

Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức cho rằng: Kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức cho rằng: Kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là việc thu hồi tài sản, tiền khi xảy ra sai phạm chưa đáp ứng kỳ vọng và công tác giám định còn chậm, dẫn đến việc xử lý các vụ án, vụ việc kéo dài.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Đình Quang cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đạt tương đối thấp. Chính vì thế, để có cơ sở thu hồi tài sản do tham nhũng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan nhằm phong tỏa tài sản, tránh việc bị can tẩu tán tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Cùng với đó, công tác giám định thiệt hại do tham nhũng, tiêu cực còn chậm, pháp luật có quy định thời hạn trong quá trình điều tra, xét xử nhưng không có thời hạn trong việc giám định. Việc giám định chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tố tụng. Chính vì thế, cần có các chế tài, quy định xử lý các giám định viên trong việc giám định thiệt hại”.

Phát biểu định hướng công tác trong thời gian tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị về công tác PCTN, tiêu cực. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tránh gây phiền hà cho người dân; chuyển đổi vị trí công tác; công khai minh bạch quản lý tài sản, tài chính và thực hiện nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị. Tăng cường tự kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý tin báo, tố giác về tham nhũng, tiêu cực.

“Cấp ủy, cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát cần tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc được giao. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, quy chế phối hợp giữa cấp ủy và thủ trưởng cơ quan để kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò MTTQ, các đoàn thể, báo chí và người dân trong công tác PCTN, tiêu cực”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm