Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gắn công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, chính quyền các cấp, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Linh-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và nhiệm vụ thời gian tới.

P.V: Ông có thể khái quát những kết quả mà tỉnh ta đã đạt được trong công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua?

- Ông ĐẶNG NGỌC LINH: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, công tác này được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với công tác PCTN, tiêu cực. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, vấn đề phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 6 tổ chức Đảng, cảnh cáo 2 tổ chức Đảng. Cùng với đó, thi hành kỷ luật khiển trách 212 đảng viên, cảnh cáo 53 đảng viên, cách chức 4 đảng viên, khai trừ 38 đảng viên. Trong số đó, 23 đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; 8 đảng viên do Trung ương xử lý; 3 đảng viên do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý; số còn lại là tổ chức Đảng các cấp, cơ quan, đơn vị xử lý.

Ngoài ra, ngành Thanh tra triển khai 140 cuộc thanh tra hành chính tại 381 đơn vị, địa phương; đã kết thúc và kết luận 117 cuộc tại 348 đơn vị. Qua đó, phát hiện sai phạm về tài chính tại 227 đơn vị với tổng số tiền hơn 36,3 tỷ đồng; kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 34,8 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra đã kiểm điểm trách nhiệm đối với 39 tập thể, 226 cá nhân; chuyển 8 hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh và huyện để xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điểm nổi bật trong công tác này là các vụ án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử đúng quy định của pháp luật; thể hiện quyết tâm xử lý tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kể cả cấp ủy viên các cấp, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cơ quan Điều tra 2 cấp đã thụ lý, điều tra 15 vụ với 34 bị can về tội phạm tham nhũng, chức vụ; đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 8 vụ với 22 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý 9 vụ với 31 bị can; đã truy tố 8 vụ với 29 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 11 vụ với 32 bị can; đã xét xử 7 vụ với 22 bị cáo. Tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là hơn 17 tỷ đồng, đã thu hồi được hơn 6 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh đã quyết định đưa 6 vụ án tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đến nay đã xét xử sơ thẩm 2 vụ, đưa ra khỏi diện theo dõi 1 vụ vì đã giải quyết xong.

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng

P.V:Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực của tỉnh năm 2023?

- Ông ĐẶNG NGỌC LINH: Năm 2023 là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Do đó, yêu cầu đặt ra cho công tác PCTN, tiêu cực là phải kế thừa những kết quả đã đạt được trong những năm qua; tiến hành đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả. Cùng với đó, gắn công tác PCTN, tiêu cực với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo đúng quy định. Cùng với đó, tập trung nâng cao đời sống, thu nhập để cán bộ, công chức “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực, dự án dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên môi trường; triển khai thực hiện các dự án; đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm tập trung; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác tổ chức cán bộ. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, trước hết là các vụ án do Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo theo quan điểm “rõ đến đâu xử lý đến đó, không để kéo dài”. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác phòng-chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương; trong xét duyệt, thẩm định đầu tư công; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm