Bạn đọc

Phong lan: Từ thú vui đến thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu người xưa quan niệm: “Vua chơi lan, quan chơi trà” thì nay, lan không chỉ là loài hoa thanh cao dành cho giới thượng lưu mà còn là hàng hóa được trao đổi một cách cực kỳ sôi động trên thị trường. Vừa qua, báo chí đưa tin hàng chục vụ mua bán lan quý hiếm lên đến bạc tỷ. Mới đây, ngay tại Gia Lai, 1 giò lan quý hiếm được định giá lên đến 3,6 tỷ đồng.
Thú vui tao nhã
Mặc dù chưa “sạch nước cản” nhưng cả tháng qua, tôi được một anh bạn đồng nghiệp đưa đi tham quan nhiều nơi và bắt đầu mon men vào thế giới của những người đam mê hoa lan. Càng thăm thú, càng trò chuyện, tôi ngộ ra một điều: Ở ngoài kia là cả một thế giới lan và tất nhiên cũng có hẳn một đội ngũ những người vô cùng đam mê thú vui tao nhã này.
Bắt đầu là “3 chàng ngự lâm” Lê Phan Anh, Nguyễn Thế Bắc và Nguyễn Thành Công với vườn lan Kỳ Bắc-Lê Anh trên đường Trần Quý Cáp (TP. Pleiku). Đây là địa chỉ quen thuộc của những người mê lan rừng ở Phố núi Pleiku. Với diện tích 1.000 m2, nơi đây tập hợp nhiều loại lan quý như: giả hạc, trầm rừng, hoàng thảo vôi, long tu Lào, thủy tiên… Tuy còn trẻ tuổi nhưng kiến thức cũng như kinh nghiệm về lan rừng của họ buộc nhiều người trong giới chơi lan phải kính nể. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hương sắc của những cánh lan rừng đã thôi miên chàng trai Lê Phan Anh. Vậy là, từ bấy đến nay, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, Lê Phan Anh gần như dành toàn bộ tâm huyết cho những giò lan yêu quý của mình. Với anh, việc tự tay chăm sóc cũng như thưởng thức vẻ đẹp của lan là niềm hạnh phúc vô bờ bến. “Lan là loài hoa cao quý nhưng khó tính. Do vậy, người chơi lan cũng phải có tâm hồn thật nhạy cảm và đức tính kiên trì. Để có được một giò lan như ý là cả một quá trình tỉ mẩn, tâm huyết và đặc biệt là phải biết chờ đợi”-Lê Phan Anh tâm sự.
Vườn lan Kỳ Bắc-Lê Anh trên đường Trần Quý Cáp (TP. Pleiku). Ảnh: D.L
Cùng với Kỳ Bắc-Lê Anh, tại TP. Pleiku còn có một vườn lan khá nổi tiếng trên đường Lê Đại Hành với 10.000 giò lan các loại. Tuy bận rộn với sự nghiệp giáo dục, nhưng vì đam mê nên anh Phạm Thăng Bằng đã quyết định đi theo tiếng gọi của lan rừng. Cũng vì yêu lan mà anh đã một lúc đầu tư hơn 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới lan tự động, làm nhà lưới và giàn. Sau 7 năm khởi nghiệp, đến nay, thầy giáo trẻ này đã trở nên nổi tiếng trong giới chơi lan, nhất là sau một vài lần giao dịch gần đây. Hiện nay, những giò lan do anh tạo ra đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Anh dành nhiều tâm huyết cho lan và ngược lại, loài hoa này đã đem lại cho anh nguồn thu nhập rất đáng kể. Tuy gặt hái được thành công về mặt kinh doanh nhưng với Phạm Thăng Bằng thì “có được thành quả như ngày hôm nay không phải là điều dễ dàng, nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã thực hiện được niềm đam mê từ thuở nhỏ”.
Lan giả hạc. Ảnh: Trí Việt
Theo chân các “đại gia” và những người chơi lan chuyên nghiệp là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn “tín đồ” của loài hoa lan. Từ trí thức đến nông dân, công nhân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên; từ trẻ tuổi, trung niên đến người cao tuổi… nếu đam mê thì chí ít cũng có 5-7 giò lan treo trên ban công, góc vườn, thậm chí trong nhà. Tại Pleiku, không ít người chỉ vì đam mê mà gầy dựng vườn lan với chi phí hàng trăm triệu đồng. Họ đến với lan đơn giản chỉ vì thích hương thơm, màu sắc, dáng thế hay chỉ vì muốn rèn luyện đức tính kiên nhẫn của mình. Cũng chính vì ẩn chứa muôn vàn câu hỏi chưa có lời đáp mà loài hoa lan trở nên hấp dẫn kỳ lạ. Bởi thế, phong trào chơi lan ngày càng lan tỏa, không chỉ ở Pleiku.
Thị trường sôi động
Trước khi bắt tay viết bài này, tôi có một chuyến “dạo chơi” khá thú vị trên thị trường lan ở Pleiku. Việc đầu tiên là vào Messenger liên hệ với một số “đầu mối” hỏi giá bán dòng giả hạc ám mắt trâu. Ngay lập tức, người viết nhận được 3 kết quả: Người thứ nhất: 1 giò 3 ngọn có giá 20 triệu đồng, kie (mầm non) thì 700 ngàn đồng. Người thứ hai: giò tương tự có giá 12 triệu đồng, kie thì 550 ngàn đồng. Tất nhiên, tôi chọn người thứ ba vì giá kie chỉ 400 ngàn đồng, nếu mua cả giò thì 8 triệu đồng! Sau khi “giao dịch thành công”, anh bạn đồng nghiệp của tôi giải thích: “Thị trường lan là vậy đấy anh! Đắt hay rẻ là do người bán và người mua tự thỏa thuận. Anh thấy thích thì anh mua. Tôi thấy được là tôi bán”.
Lan long tu. Ảnh: Trí Việt
Tuy thị trường lan chứa đầy cảm tính, nhưng theo các nhà vườn thì từng loại lan đều có mức giá chuẩn của nó. Hiện nay, giả hạc (hay còn gọi là phi điệp) là dòng lan được ưa chuộng nhất trên thị trường. Trong dòng giả hạc, “hot” nhất hiện nay là giả hạc 5 cánh trắng Phú Thọ, giả hạc 5 cánh trắng Hiển Oanh, giả hạc 5 cánh trắng Lâm Xung… Với những loại này, mỗi giò lan giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, giá mỗi kie từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tuy ít có mặt tại siêu thị, chợ hay cửa hàng nhưng thị trường lan đang cực kỳ sôi động và biến ảo khôn lường. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, chỉ cần một cú nhấp chuột là bạn đã có một giò lan được ship đến nhà theo yêu cầu. Chính vì sự tiện lợi trong giao dịch và giá cả phập phù nên nhiều người lâm vào cảnh khóc dở mếu dở (giới chơi lan gọi là “ăn thịt lừa”). Lý do đơn giản là hoạt động mua bán lan trên mạng chưa được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, giá cả và thuế. Vì vậy, chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” thường xuyên xảy ra. Nhiều người bỏ ra hàng đống tiền nhưng rốt cục ôm về một mớ lan không ra lan. Vì vậy, theo khuyến cáo của những người chơi lan có tâm thì cần cảnh giác khi giao dịch qua mạng và nên chọn mua ở nhà vườn uy tín. Cùng với đó, bạn cần nghiên cứu một cách nghiêm túc về kỹ thuật chăm sóc cũng như thị trường để không phải chuốc lấy nỗi buồn vì lan.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm