Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới: Hiệu quả và lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới được nâng lên rõ rệt và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.
Nâng cao nhận thức cho nhân dân
Gia Lai có hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới của tỉnh có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông. 
Để từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân và phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01. Triển khai chỉ thị này, các cấp, các ngành đã linh hoạt tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ nghiêm các quy định về quy chế biên giới, hoạt động qua lại 2 bên biên giới để thăm thân, trao đổi hàng hóa... Anh Rơ Lan Tian (làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) bộc bạch: “Bộ đội Biên phòng thường xuyên đến từng nhà, lên cả rẫy để tuyên truyền nên bà con đều hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về khu vực biên giới”.
Thành viên tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Ia O (huyện Ia Grai) tham gia tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng. Ảnh: P.D
Thành viên tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Ia O (huyện Ia Grai) tham gia tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng. Ảnh: P.D
Bên cạnh đó, các cấp, các địa phương cũng đã phát huy hiệu quả vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng để cùng tham gia củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Già làng Rơ Châm Chích (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) chia sẻ, trong tất cả các cuộc họp làng, ông đều nhắc nhở người dân phải đoàn kết, không để kẻ xấu lợi dụng làm những việc sai trái, có hại cho dân làng. Hơn nữa, ông luôn sâu sát nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình, tham gia hòa giải các vụ việc thấu tình đạt lý ngay tại cơ sở.
Theo Thượng tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân đã có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Từ đó, người dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới được quần chúng nhân dân phát hiện, thông báo cho lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời”.
Phát huy hiệu quả các tổ tự quản
Có thể nói, điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg là việc thành lập, duy trì có hiệu quả các tổ tự quản và vận động nhân dân đăng ký tham gia tự quản thôn, làng, đường biên, cột mốc. Hiện nay, trên khu vực biên giới của tỉnh có 65 tổ tự quản gồm: 13 tổ tự quản đường biên, cột mốc; 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 1 tổ tàu thuyền tự quản và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo. Cùng với đó, có 10.013 hộ/11.702 hộ đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 3.847 cá nhân đăng ký tự quản đường biên giới; 93 hộ và 120 cá nhân đăng ký tự quản mốc quốc giới. Anh Phạm Văn Hiển-Tổ trưởng tổ tự quản đường biên, cột mốc làng Ring (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) cho biết: “Tổ có 7 thành viên tham gia phụ trách khu vực đường biên, cột mốc cách làng gần 10 km. Trong quá trình làm rẫy gần khu vực đường biên, các thành viên quan sát và kiểm tra thường xuyên về hiện trạng, nếu phát hiện những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới sẽ thông báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời xử lý”.
Các thành viên tổ tự quản làng Mook Đen tham gia cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tuần tra cột mốc. Ảnh: P.D
Các thành viên tổ tự quản làng Mook Đen tham gia cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tuần tra cột mốc. Ảnh: P.D
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, các tổ tự quản trên khu vực biên giới đã tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn và tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được 3.718 buổi/20.219 lượt thành viên; phát quang thông tầm nhìn được 51,9 km đường biên giới; tham gia giải quyết 270 vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai... Bên cạnh đó, các tổ tự quản và quần chúng nhân dân cũng đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin giúp các lực lượng chức năng xử lý 477 vụ/781 lượt đối tượng liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản, buôn bán, sử dụng ma túy trái phép. Nói về hiệu quả của các tổ tự quản, Thượng tá Rơ Mah Tuân khẳng định: “Thời gian qua, hoạt động của các tổ tự quản được duy trì có nền nếp. Các tổ đã tích cực tham gia tuyên truyền, phối hợp tuần tra, kiểm soát góp phần giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm