Điểm đến Gia Lai

Phú An đẩy mạnh trồng rừng sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ “về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông-lâm nghiệp”, từ năm 2017 đến nay, xã Phú An (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã triển khai trồng hơn 355 ha rừng sản xuất. 
Bà Đinh Thị Minh Trí-Chủ tịch UBND xã Phú An-cho hay: Toàn xã có trên 1.379 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 233 ha đất rừng phòng hộ và 1.146 ha đất rừng sản xuất. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, hàng năm, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các hội, đoàn thể phối hợp với các thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký trồng rừng. Đồng thời, trên cơ sở chỉ tiêu trồng rừng huyện giao, xã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể phù hợp cho từng thôn, làng để triển khai.
“Nhờ đó, những năm qua, công tác trồng rừng của xã luôn đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao. Từ năm 2017 đến năm 2019, toàn xã trồng được 338,21 ha rừng, đạt hơn 113% kế hoạch huyện giao. Năm 2020, huyện giao chỉ tiêu cho xã trồng gần 17 ha rừng. Đến nay, Phú An đã trồng được 16,99 ha”-bà Trí thông tin.
Ông Huỳnh Tấn Thoại (thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) thăm vườn keo của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Huỳnh Tấn Thoại (thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) thăm vườn keo của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Nhận thấy trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở xã Phú An đã tích cực tham gia. Bà con chuyển đổi những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rừng. Ông Huỳnh Tấn Thoại (thôn An Phong) cho biết, gia đình ông có 6 ha đất, trong đó có 4 ha ở khu vực đồi cao, nhiều đá sỏi, trồng cây gì cũng chậm phát triển. Năm 2018, ông chuyển toàn bộ diện tích đất đồi này sang trồng 2 ha keo và 2 ha bạch đàn.
“Cây bạch đàn trồng khoảng 4 năm là khai thác; chu kỳ khai thác 3 năm/đợt, mỗi lứa bạch đàn cho khai thác khoảng 4-5 đợt. Sau khi trừ chi phí, 1 ha bạch đàn cho thu nhập 30-50 triệu đồng/đợt khai thác. Riêng cây keo trồng 5 năm thì cho khai thác, thu được khoảng 50-70 triệu đồng/ha. Nhưng nếu để càng lâu thì vườn keo càng có giá trị”-ông Thoại cho hay. 
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Hbon (làng Đê Chơ Gang) có hơn 2 ha đất, trong đó có 1 ha đất ở khu vực đồi cao. Khi có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bà Hbon đã mua cây keo và cây bạch đàn về trồng trên diện tích đất đồi này.
“Sau khi trồng một thời gian, chính quyền địa phương và ngành chức năng đi nghiệm thu, gia đình mình được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Năm sau, mình sẽ bán 5 sào bạch đàn lấy tiền sửa chữa nhà. Mình cũng sẽ chuyển nốt hơn 1 ha đất trồng mì, lúa rẫy sang trồng cây keo”-bà Hbon chia sẻ. 
Bà Đinh Thị Hbon (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn keo. Ảnh : Ngọc Minh
Bà Đinh Thị Hbon (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn keo. Ảnh: Ngọc Minh
Song song với tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, từ năm 2017 đến nay, UBND xã Phú An phối hợp với Ban Quản lý dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng huyện Đak Pơ tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 129 hộ dân với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng. “Số tiền này đã giúp người dân có điều kiện mua cây giống và chăm sóc rừng trồng”-Chủ tịch UBND xã Phú An khẳng định.
Cũng theo bà Trí, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng. Đồng thời, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, làng tăng cường tuyên truyền người dân chăm sóc rừng trồng các năm trước; chú trọng các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng-chống cháy rừng.
Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Phú An là một trong những xã nhiều năm liền đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng huyện giao. Xã Phú An cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực trồng rừng, từ đó lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng rừng đối với môi trường và cuộc sống con người.
“Trong những năm tới, xã Phú An cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con tích cực trồng thay thế những diện tích rừng sau khi khai thác nhằm duy trì và phát triển tài nguyên rừng; vận động nhân dân trồng cây phân tán để tăng tỷ lệ che phủ rừng của địa phương”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nhấn mạnh.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm