Xã hội

Đời sống

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Qua đó, địa phương giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Cách đây 3 năm, gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) nằm trong danh sách những hộ khó thoát nghèo. Ngoài thiếu vốn, đất sản xuất và khoa học kỹ thuật, gia đình chị còn chăm lo cho 2 con nhỏ, chồng không có nghề nghiệp ổn định, bố mẹ già yếu. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên, cuối năm 2024, gia đình chị đã thoát nghèo.

Chị chia sẻ: “Năm 2022, tôi được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống. Nhờ cán bộ tận tình hướng dẫn, tôi làm chuồng nuôi nhốt và trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Vì thế, bò phát triển khỏe mạnh và đã đẻ được 1 con bê. Vợ chồng tôi tiếp tục chăm sóc tốt để nhân đàn”.

gia-dinh-chi-ro-cham-khi-lang-krai-thi-tran-phu-hoa-cung-can-bo-lang-thi-tran-den-kiem-tra-mo-hinh-nuoi-bo-sinh-san-cua-gia-dinh-anh-dinh-yen.jpg
Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Không chỉ được hỗ trợ sinh kế, gia đình chị Khi còn được UBND thị trấn Phú Hòa tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ngân hàng để trồng 200 cây cà phê; vận động các đại lý phân bón bán phân trả chậm, giúp gia đình có điều kiện chăm sóc vườn cây.

“Năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện vợ chồng tôi vừa chăn nuôi bò, vừa chăm sóc cà phê. Tôi còn tranh thủ đi làm thuê, tiền công mỗi ngày khoảng 180-200 ngàn đồng; còn chồng tôi sau khi học nghề làm cửa sắt đã đi làm thêm với tiền công 300-400 ngàn đồng/ngày”-chị Khi chia sẻ.

Ông Lê Võ Anh Quang-Bí thư Chi bộ làng Krăi-nhận định: Phần lớn hộ nghèo đều cần thông tin, đặc biệt là thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Vì vậy, Chi bộ luôn khuyến khích người dân chủ động tiếp cận nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và trao đổi với Ban Nhân dân thôn về những khó khăn cần giúp đỡ.

Mỗi khi có văn bản mới đều nhanh chóng phổ biến đến người dân thông qua các cuộc họp, qua nhóm Zalo. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Bà con tích cực lao động sản xuất để nâng cao thu nhập; số hộ nghèo trong làng cũng giảm dần qua từng năm. Tính đến cuối năm 2024, làng còn 1 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo.

Nói về công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn, bà Ngô Thị Thúy An-Công chức Văn hóa-Xã hội thị trấn Phú Hòa-cho hay: Hàng ngày, UBND thị trấn đẩy mạnh thông tin trên trang thông tin điện tử. Bên cạnh đó, các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cũng tuyên truyền đến người dân với nhiều hình thức như qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ; giao lưu văn hóa-văn nghệ, tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất...

“Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay và sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường”-bà An thông tin.

mot-goc-lang-krai-thi-tran-phu-hoa-hom-nay-anh-dinh-yen.jpg
Một góc làng Krăi (thị trấn Phú Hòa) hôm nay. Ảnh: Đ.Y

Thời gian qua, các hình thức tuyên truyền được UBND thị trấn thực hiện thường xuyên và phù hợp với từng đối tượng. Vì vậy, người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương phát động. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn của Nhà nước và người dân đóng góp, thị trấn đã làm mới và sửa chữa được 5.686 m đường giao thông nông thôn; người dân nạo vét 2 km kênh mương nội đồng.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,08 triệu đồng/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 1,08 triệu đồng/năm). Đến cuối năm 2024, thị trấn còn 2 hộ nghèo trong tổng số 1.606 hộ; có 1.466 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 98%; 6/6 thôn, làng, tổ dân phố được đề nghị tặng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; tiếp tục giữ vững các tiêu chí đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Tấn Bộ-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hòa-thông tin: “Cuối năm 2024, thị trấn còn 2 hộ nghèo do không còn sức lao động, neo đơn. Vì vậy, chúng tôi quan tâm giúp đỡ 2 gia đình bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Cùng với đó, thị trấn cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp thông tin đa dạng, kịp thời giúp người dân nhận thức đúng, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương để đồng thuận và làm theo.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động và xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, giúp giảm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn một cách bền vững”.

Có thể bạn quan tâm