Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là có tội với dân tộc - Kỳ cuối: Mưu toan làm suy yếu mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc ra sức phủ nhận lịch sử, công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “đánh” vào các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng nhằm chia rẽ nội bộ, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động còn sử dụng chiêu bài dân chủ với mưu toan làm suy yếu mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân; quy chụp sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên, tệ quan liêu tham nhũng trong Đảng.

Sử dụng “chiêu bài” dân chủ

Các thế lực cơ hội, thù địch đưa ra luận điệu độc đảng là độc tài, độc đoán, là thủ tiêu dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, chúng hung hăng nêu ra thuyết “Đảng trị” với ý đồ xấu xa: xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu để xây dựng, gìn giữ. Thuyết này dựa vào “lý luận rất bài bản” của quan điểm chống cộng khét tiếng mang tên “Toàn trị” được trường phái Phrăng Phuốc nêu ra vào những năm 80 của thế kỷ XX. Theo quan điểm này, những thế lực chính trị một khi đã khống chế toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng của đời sống xã hội thì sẽ dẫn đến “chủ nghĩa toàn trị”. “Chủ nghĩa toàn trị” sẽ dẫn đến độc tài, phát xít, mất dân chủ, bóp nghẹt tự do và dẫn đến thảm họa.

Chúng quy chụp rằng Đảng Cộng sản là đảng theo “chủ nghĩa toàn trị”. Chúng lặp đi lặp lại rằng một đảng lãnh đạo đã dẫn tới chế độ “Đảng trị” gây tai họa cho xã hội; mô tả Đảng ta có “một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ”, “một bộ máy độc đoán, độc tài, toàn trị”, “đầy tham nhũng, phản dân chủ”, bởi vì xã hội ta chỉ có một đảng lãnh đạo, độc đảng thì kéo theo nhiều thứ “độc”: độc tài, độc đoán, độc quyền. Chúng kết tội Đảng: “Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của chế độ phát xít, độc tài”. Trên một website mang tên “dân chủ” gần đây, có kẻ vu cáo trắng trợn: Do sự hiện hữu của độc quyền chuyên chế đảng trị, dân tộc Việt Nam không chỉ khó thực hiện lý tưởng dân chủ mà còn khó tận hưởng các quyền tự do căn bản.

Ở một tài liệu khác được in ấn ở nước ngoài gửi về, một phần tử cơ hội chính trị lại chứng minh rằng sự lãnh đạo một đảng ở Việt Nam mâu thuẫn với triết học Mác xít, bởi vì theo Mác, thượng tầng kiến trúc phản ánh cơ sở hạ tầng. Khi Việt Nam đã phát triển nền kinh tế nhiều thành phần thì đương nhiên thượng tầng kiến trúc phải chuyển sang chế độ đa đảng. Chúng cho rằng chỉ có chế độ đa đảng thì người lãnh đạo mới “chính đáng”. Theo chúng, nền dân chủ tư sản phương Tây mới là một nền dân chủ lý tưởng. Chúng nhấn mạnh: Thật rõ ràng là có một bộ phận người nắm quyền lực thực hành chuyên chính với toàn xã hội… Trong khi ấy, mọi người chỉ cần được dân chủ bằng một nửa dân chủ tư sản.

Quang cảnh phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Quang cảnh phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Thực tế, sự lãnh đạo độc tôn của Đảng không đồng nghĩa với lộng quyền. Trong những năm đổi mới, các dự thảo nghị quyết của Đảng về các vấn đề quan trọng đều được đưa ra lấy ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, được đăng tải trên báo chí để lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, có khi phải trải qua 5-7 lần dự thảo mới đưa ra hội nghị Trung ương bàn và ra nghị quyết chính thức. Không có chuyện không ai được thảo luận.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, dân chủ thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ. Theo Người, dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Phát huy dân chủ chính là mục tiêu, đồng thời là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, dân chủ không thể tách rời luật pháp. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể tách rời việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, còn phải gắn với dân trí, với trình độ học vấn.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trên thực tế không chỉ phụ thuộc vào kinh tế, mà còn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố khác như tương quan so sánh lực lượng giai cấp, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, truyền thống lịch sử…

Chế độ một đảng hay đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ hay không dân chủ. Đa nguyên chính trị trong xã hội tư bản, biểu hiện thành đa đảng, các đảng đều có quyền tự do tranh luận, ứng cử, tranh cử… nhưng về thực chất cũng chỉ là nhất nguyên chính trị vì tất cả các đảng này đều từ một nguồn gốc, một mục đích là thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp tư sản, chứ không phải thực hiện quyền của đại đa số nhân dân lao động. Dân chủ hay không là ở chỗ nhà nước có thực sự là của dân, do dân, vì dân… có thực sự vì lợi ích của nhân dân hay không.

Quy chụp từ sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Gần đây, các thế lực thù địch, phản động cũng lợi dụng công cuộc phòng-chống tham nhũng của Đảng ta, cho rằng “cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tham nhũng… và không thể đấu tranh phòng-chống tham nhũng, suy thoái thành công!”. Chúng cho rằng nếu Đảng muốn chống tham nhũng thành công thì phải thay đổi lực lượng nòng cốt, đội quân tiên phong của Đảng là giai cấp công nhân. Bởi lẽ, giai cấp công nhân đã hết vai trò lịch sử, hiện nay không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước, lại sa vào tham nhũng. “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn xây dựng kinh tế, phòng-chống tham nhũng… thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác!”.

Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta đấu tranh bác bỏ bằng những luận cứ thật sự khoa học để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng; đồng thời, để không phụ lòng của Nhân dân đã trao trọn, gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trước hết phải xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng.

Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến, hiện đại và cách mạng nhất, song chỉ có thể lãnh đạo cách mạng thắng lợi khi lập ra chính đảng để lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng đấu tranh thoát khỏi áp bức, bóc lột và nô lệ để xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. Lênin tiếp tục khẳng định: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản… và lãnh đạo được đất nước. Đó là điều không phải nghi ngờ gì nữa”.

Thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, những quan điểm đòi phủ nhận vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái, phản động và hết sức nguy hiểm. Việc đấu tranh bảo vệ vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của Nhân dân.

Có thể bạn quan tâm