Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Phụ nữ Chư Pah khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 37 ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp của phụ nữ đã được trưng bày tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Pah tổ chức. Trong đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ nguyên liệu truyền thống đã thu được thành công bước đầu.

Lấy ý tưởng khởi nghiệp từ món thịt heo gác bếp truyền thống của dân tộc mình, 2 năm nay, chị Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka đã đưa sản phẩm này ra thị trường và được nhiều người ưa chuộng. Theo kinh nghiệm của chị H’Ken, để làm ra thịt heo gác bếp thơm ngon, nguyên liệu phải là heo do đồng bào dân tộc thiểu số nuôi có thời gian từ 1 năm trở lên. “Một con heo 30 kg chỉ lựa được khoảng 5-6 kg thịt nạc làm món thịt heo gác bếp thôi”-chị H’Ken thổ lộ.

 

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Vũ chế biến món chả cá thác lác đánh bắt từ sông Sê San. Ảnh: Đ.Y
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Vũ chế biến món chả cá thác lác đánh bắt từ sông Sê San. Ảnh: Đ.Y

Theo chị H’Ken, để làm món thịt heo gác bếp, trước tiên phải rửa sạch thịt, cắt thành từng miếng vuông vừa phải, ướp muối, bột ngọt, ớt xanh của người địa phương, sau đó để gia vị thấm vào từng thớ thịt, rồi đem thịt xiên đều vào que. Que xiên làm bằng cây lồ ô lấy từ trên rừng về. Từng que thịt xiên được gác lên bếp, sức nóng của lửa hàng ngày đun nấu phía dưới sẽ làm cho thịt heo săn chắc lại. Tùy theo mùa khô hay mùa mưa mà bố trí lượng thịt heo gác bếp phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm và khả năng tiêu thụ. Đầu tháng Chạp là cao điểm để làm sản phẩm phục vụ Tết, mỗi ngày chị có thể bán được 9-10 kg thịt heo gác bếp. “Sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo số lượng”-chị H’Ken nói.

Cùng với thịt heo gác bếp, chị H’Ken còn chế biến món cá giã lá é. Nguyên liệu là cá phèn đánh bắt trên sông Sê San, đem rửa sạch ướp với muối, phơi khô, sau đó nướng sơ qua, lóc xương rồi giã với lá é phơi khô. Mỗi ngày, chị bán ra hàng trăm lọ cá giã lá é. Món này ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. Bên cạnh đó, chị còn làm muối cỏ thơm. Nguyên liệu lấy từ một loại cỏ có tên gọi Croch, mọc nhiều ở ruộng lúa trong làng. Cỏ được nhổ về rửa sạch phơi khô, sau đó thái nhỏ, trộn với muối, bột ngọt, ớt, giã nhuyễn bằng tay, dùng để ăn với cơm nóng, chấm thịt nướng, trái cây. Chị H’Ken còn là người tiêu biểu của xã lưu giữ được giống gạo nếp than dùng để nấu xôi, làm rượu ghè rất ngon và bổ dưỡng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vũ (thị trấn Ia Ly) lại thành công với nghề chế biến chả cả thác lác đánh bắt từ sông Sê San. 22 năm nay, vợ chồng bà sống bằng nghề này. Bà Vũ cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi thu mua cá của người dân đánh bắt quanh lòng hồ. Có ngày gia đình tôi làm không kịp bán”.

Nhiều phụ nữ ở xã Ia Kreng sơ chế chuối rừng bán cho người tiêu dùng để ngâm rượu chữa các bệnh tiểu đường, viêm thận, tăng huyết áp, gút, viêm loét dạ dày, xổ giun hoặc trị táo bón ở trẻ em. Hay như sản phẩm khoai lang dẻo của người dân 2 xã Chư Jôr và Chư Đăng Ya cũng được nhiều phụ nữ nơi đây chế biến thành đặc sản. Chị Quách Thị Thùy Trang-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Jôr, cho biết: “Trước đây, bà con cũng trồng giống khoai lang mật nhưng giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, sức tiêu thụ kém. Sau khi tham khảo thị trường thấy sản phẩm khoai lang dẻo được khách hàng ưa chuộng, chị em rút kinh nghiệm, học phương pháp chế biến. Rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch khoai, luộc lên rồi để nguội, làm sạch vỏ, cắt nhỏ thành từng miếng đem phơi khô rồi đóng gói tiêu thụ. Chính cái ngọt tự nhiên từ khoai lang mật đã tạo nên sản phẩm khoai lang dẻo thơm ngọt đặc trưng Chư Jôr, được nhiều người biết đến, giá bán từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg”.

Bà Nguyễn Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pah, cho biết: “Trong số 37 ý tưởng khởi nghiệp của chị em thì có 10 ý tưởng được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh lựa chọn hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng. Đây là cơ hội giúp chị em khởi nghiệp thành công và vươn lên làm giàu từ sản phẩm truyền thống quê hương”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm