Xã hội

Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai phát động theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng số, mạng xã hội Facebook, Zalo đã nhận được nhiều ý tưởng, mô hình hay của đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh.
Cải tạo không gian sống xanh
Với ý tưởng “Bức tường phủ màu xanh”, bài dự thi của chị Lê Hà Duy Ái (thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã nhận được số lượt like và share nhiều nhất ở vòng 1 cuộc thi. Tận dụng chai, lọ, can nhựa... tưởng như bỏ đi, chị Ái đã biến chúng thành những chậu trồng cây xanh trang trí trong sân vườn, phòng ở của gia đình. Những chậu cây, chậu hoa xinh xắn không chỉ giúp không gian sống thêm trong lành, mát mắt mà còn giúp hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Chị Ái chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh quán cà phê nên hàng ngày phải thải ra một lượng vật dụng từ nhựa. Bản thân tôi rất sốt ruột vì đây là loại rác nguy hại cho môi trường. Ban đầu, tôi tận dụng vài vỏ chai để trồng hoa treo lên tường, thấy không gian sinh động hẳn. Do đó, khi có cuộc thi do Hội LHPN tỉnh phát động, tôi bắt tay vào cải tạo không gian sống xanh cho gia đình. Thay vì tốn tiền mua chậu cây cảnh về trang trí quán cà phê, tôi tận dụng vỏ chai nhựa để trồng cây, hoa di động treo lên tường. Tôi chọn các loại hoa, cây xanh ưa bóng mát, dễ trồng để chúng phát triển xanh tốt trong không gian thiếu ánh sáng. Toàn bộ chi phí cho các bức tường phủ tràn cây xanh chỉ là mấy chục ngàn đồng mua đinh”.
Từ những đồ nhựa phế thải, chị Lê Hà Duy Ái đã tận dụng để trồng cây xanh, trồng hoa, tạo ra bức tường màu xanh trong không gian sống. Ảnh: Minh Châu
Từ những đồ nhựa phế thải, chị Lê Hà Duy Ái đã tận dụng để trồng cây xanh, trồng hoa, tạo ra bức tường màu xanh trong không gian sống. Ảnh: Minh Châu
Ý thức sống xanh của chị Ái còn lan tỏa đến các con. Hai bé năm nay lên lớp 7 và lớp 10 rất vui khi cùng mẹ tái chế vật dụng cũ để trồng cây, hoa. Chị Ái cho biết thêm, thông qua hoạt động này, chị muốn nâng cao ý thức cho các con trong hoạt động bảo vệ môi trường. “Nếu mỗi người có ý thức trồng cây xanh, hạn chế tối đa rác thải nhựa ra môi trường, tôi tin rằng hệ sinh thái sẽ sớm phục hồi bền vững, môi trường tự nhiên trong lành và con người giảm thiểu những căn bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường sống”-chị Ái chia sẻ.
Môi trường và văn hóa truyền thống
Những quả bầu hồ lô khô đựng nước, những chiếc rổ rá, nong nia, gùi đựng, giỏ đi chợ đan bằng tre nứa vốn là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống của nhiều gia đình bản địa, nay càng có cơ hội phát huy giá trị sử dụng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa do Hội LHPN phát động. Tham gia cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái”, Hội LHPN xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) là đơn vị nhận được nhiều lượt like và chia sẻ bởi không chỉ lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Chị H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông-cho biết, hưởng ứng cuộc thi, hội viên, phụ nữ đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh thoát nước, trồng cây  xanh, chăm sóc con đường hoa, hàng rào xanh để tạo không gian sống xanh, sạch ở các làng.
Vật dụng từ nguyên liệu tự nhiên được hội viên phụ nữ xã Ia Mơ Nông sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, dần thay thế cho đồ nhựa
Những sản phẩm từ chất liệu tự nhiên được hội viên, phụ nữ xã Ia Mơ Nông sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, dần thay thế cho đồ nhựa. Ảnh: Minh Châu
Là người tâm huyết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, theo chị H’Uyên Niê, cuộc thi rất kịp thời và nhân văn khi tạo ra một “chuỗi liên kết” vừa bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị truyền thống, vừa tạo việc làm cho nghệ nhân. “Để vận động hội viên nói không với rác thải nhựa, hạn chế đồ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm làm từ tre, nứa, Hội LHPN xã đã vận động chị em trồng cây bầu hồ lô. Vỏ bầu để già rồi dùng lá mắt mèo chà xát xung quanh cho lên nước đen bóng chứa nước uống, làm quà lưu niệm. Quả bầu này thay thế cho các loại chai nhựa đựng nước, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi vận động chị em mua các sản phẩm rổ, rá, giỏ đi chợ, đũa ăn… từ Câu lạc bộ đan lát của xã để thay thế đồ nhựa vẫn dùng lâu nay. Để tăng sức cạnh tranh với đồ nhựa, chúng tôi khuyến khích các nghệ nhân làm ra sản phẩm từ chất liệu tự nhiên có giá thành tương đương, bền đẹp và có tính thẩm mỹ cao”-chị H’Uyên Niê nói.
Để hội viên, phụ nữ làm theo, chính chị H’Uyên Niê luôn là người đi đầu. Chị cho biết: “Tôi đi chợ mua cá, thịt thì bỏ vào hộp đựng, mua rau gói vào lá chuối thay vì bỏ bì ni lông, tất cả cho vào giỏ mây tre xách về. Phụ nữ xách chiếc giỏ tre đan thủ công ra chợ không chỉ lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường mà còn rất thuận tiện, thân thuộc”. Cũng theo chị H’Uyên Niê, các hoạt động của phụ nữ không chỉ để hưởng ứng một cuộc thi mà còn để chị em nhìn thấy các giá trị truyền thống luôn có chỗ đứng, có giá trị sử dụng cao trong thực tế. Việc khai thác, sử dụng và phát huy các giá trị ấy như thế nào là do con người lựa chọn. Phục hồi hệ sinh thái còn là phục hồi môi trường sống tự nhiên, phục hồi các giá trị truyền thống từng bị lãng quên do thói quen sử dụng đồ nhựa của chúng ta.
“Từ xa xưa, khi chưa có đồ dùng bằng nhựa, cha ông chúng tôi sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, nhất là tạo ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày từ vật liệu tự nhiên. Dựa trên những giá trị sẵn có ấy, chúng tôi cố gắng tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng và thị hiếu của chị em phụ nữ. Tôi tin ý tưởng này sẽ lan tỏa đến hội viên, phụ nữ trong tỉnh, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số để cùng hành động bảo vệ hệ sinh thái một cách thiết thực nhất”-chị H’Uyên Niê bày tỏ.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm