Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phụ nữ Đăk Pơ Pho bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếng dệt vải bần bật, mạnh và dứt khoát xua tan cái im ắng quanh không gian ngôi nhà rông. Thanh âm của các khung dệt tạo nên giai điệu gần gũi và thân thuộc. Đó là một buổi sinh hoạt trong câu lạc bộ dệt thổ cẩm của phụ nữ xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
Những sản phẩm đạt trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ thuật của chị Biêr-Thành viên Câu lạc bộ dệt thổ cẩm đã truyền cảm hứng cho các chị em học nghề. Ảnh: M.C

Những sản phẩm đạt trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ thuật của chị Biêr-Thành viên Câu lạc bộ dệt thổ cẩm đã truyền cảm hứng cho các chị em học nghề. Ảnh: M.C

Ngôi nhà rông ở thôn 3 “dài như một con thuyền úp ngược”, kiểu kiến trúc rất đặc trưng của nhà rông Bahnar ở vùng đất Kông Chro. Trên hiên nhà dài và rộng, chị em sử dụng lan can gỗ làm điểm tựa để mắc khung dệt.

Câu lạc bộ dệt của phụ nữ được thành lập hơn 1 năm và nhà rông trở thành địa điểm quen thuộc để chị em gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, trao truyền nghề truyền thống. Câu lạc bộ có 30 thành viên với đủ mọi lứa tuổi. Có người giỏi nghề được cộng đồng công nhận là nghệ nhân, có người mới chập chững biết dệt cơ bản. Nhưng không phân biệt già trẻ, cán bộ hay hội viên, người giỏi hơn luôn tận tình chỉ dạy cho người yếu hơn mình.

Trong số các thành viên, có những nghệ nhân trẻ thuộc thế hệ 9X như chị Biêr. Trong 2 năm liền (2022-2023), chị giành giải nhất toàn huyện cuộc thi dệt thổ cẩm, đồng thời là nghệ nhân đại diện cho huyện Kông Chro tham gia trình diễn nghề truyền thống tại Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023.

Tham gia câu lạc bộ dệt của phụ nữ, những sản phẩm đạt trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ thuật của chị Biêr đã truyền cảm hứng cho các chị em cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề.

Chị Biêr chia sẻ: “Trước đây, việc trao truyền nghề truyền thống thường diễn ra trong gia đình, mẹ dạy cho con gái. Nhưng khi tham gia câu lạc bộ, mình có thể truyền nghề cho các chị em, giúp họ tiến bộ nhanh hơn. Bản thân mình cũng học hỏi thêm được rất nhiều từ những chị em giỏi tay nghề khác. Đây là mô hình sinh hoạt rất thiết thực để phụ nữ Bahnar góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Clip: Hoàng Ngọc

Là cán bộ phụ nữ của thôn, chị Đinh Thị Hiên rất háo hức được học nghề. Chị Hiên cho biết: “Cách tạo hoa văn trên thổ cẩm của người Bahnar rất cầu kỳ với nhiều họa tiết. Mình không thể tự học mà cần người hướng dẫn trực tiếp trên khung dệt. Mình được các chị giỏi nghề truyền dạy nên tiến bộ rất nhanh”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ là chị Anglech. Từng có thời gian làm cán bộ phụ nữ xã, chị Anglech hiểu tâm lý và mong muốn của chị em. Khi tham gia sinh hoạt chung, chị luôn lấy sự nhiệt tình, trách nhiệm đi đầu để khích lệ tinh thần các thành viên. Nhiều thành viên mới chập chững vào nghề được chị Anglech cầm tay chỉ cách luồn chỉ, lựa chọn màu sắc, tạo hoa văn; đồng thời, giải thích ý nghĩa màu sắc trên tấm thổ cẩm truyền thống của người Bahnar.

Chị Anglech tự hào cho biết: “Truyền thống lịch sử, văn hóa ông bà được đúc kết, hội tụ trên trang phục, trong từng họa tiết hoa văn, do vậy mà giữ được nghề dệt cũng là giữ được bản sắc. Sản phẩm của chị em làm ra không chỉ để may váy áo mặc trong các dịp lễ hội hay tham gia giao lưu văn hóa giữa các làng, mà còn đóng góp cho các hoạt động văn hóa tại địa phương. Trang phục của đội cồng chiêng “nhí” của xã cũng do chị em trong câu lạc bộ dệt và may cho các em, giúp thế hệ trẻ có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa ngay từ trang phục truyền thống”.

Các thành viên trong câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) giới thiệu sản phẩm của mình. Ảnh: Minh Châu

Các thành viên trong câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) giới thiệu sản phẩm của mình. Ảnh: Minh Châu

Không chỉ tham gia câu lạc bộ dệt thổ cẩm, các chị em còn là thành viên của đội cồng chiêng nữ của xã, tham gia trình diễn trong nhiều hoạt động văn hóa tại địa phương và của huyện.

Chị Dương Thị Yến Như-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Pơ Pho-đánh giá: “Việc thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm hay đội cồng chiêng nữ đã thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên phụ nữ người Bahnar tham gia. Chị em rất nhiệt tình, đề cao tinh thần trách nhiệm nên có thể nhìn thấy kết quả các hoạt động có phụ nữ tham gia. Ví dụ như tham gia câu lạc bộ dệt, các chị em đều mong muốn tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp hơn, chất lượng hơn, ai cũng có tinh thần học hỏi.

Không những thế, họ còn phát huy vai trò trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Cũng từ những mô hình này, chị em còn thu hút các hội viên khác tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, đóng góp thiết thực vào các phong trào thi đua tại địa phương”.

Có thể bạn quan tâm