(GLO)- Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các chi hội phụ nữ, nhiều chị em người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đak Pơ, Gia Lai đã dần thay đổi nếp nghĩ trong chi tiêu và chủ động gửi tiết kiệm để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Vài năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, chị Đinh Thị Vốp (làng Kuk Kôn, xã An Thành) vô cùng lạ lẫm với khái niệm “gửi tiết kiệm ngân hàng”. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên “tay này cất tiền vô thì tay kia lấy tiền ra”. Với chị, tài sản đáng giá nhất trong nhà là 1 con bò do Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo. Mọi chuyện dần thay đổi khi chị Vốp tham gia sinh hoạt trong chi hội Phụ nữ làng Kuk Kôn, được hỗ trợ tiếp cận các mô hình thực hành tiết kiệm, mô hình phát triển kinh tế cũng như được chỉ dẫn cặn kẽ cách thức tính toán chi tiêu, sử dụng đồng vốn từ khâu sản xuất đến sinh hoạt gia đình.
Nhờ mạnh dạn học hỏi làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu, gia đình chị Đinh Thị Vốp đã sắm được xe máy kéo để chuyên chở nông sản cho bà con trong vùng. Ảnh: S.C |
Thông qua chi hội Phụ nữ làng, chị Vốp mạnh dạn vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi bò, đồng thời trồng keo lai, phát triển các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu để đa dạng nguồn thu, lấy ngắn nuôi dài. Tranh thủ những lúc nông nhàn, chị sắp xếp đi làm công để có thêm nguồn thu nhập. “Khi đàn bò đã lớn thì tôi bán bớt để có tiền mua xe máy kéo về chở hàng hóa phục vụ bà con trong vùng. Tiền công vận chuyển tùy chỗ xa gần dao động 200-700 ngàn đồng/chuyến. Có thêm nguồn thu nhập này, tôi vừa tiếp tục đầu tư cho sản xuất, vừa tiết kiệm để gửi ngân hàng mỗi tháng”-chị Vốp chân tình chia sẻ.
Không chỉ học cách tính toán đầu tư hợp lý, chị Vốp còn là hội viên rất tích cực gửi tiết kiệm tại tổ tiết kiệm và vay vốn do chi hội quản lý. Với mức gửi từ 500 ngàn đồng trở lên mỗi tháng, đến khi số dư đạt vài triệu đồng thì chị đề nghị trích ra trả bớt nợ vay ngân hàng. Đến nay, gia đình chị Vốp đã vươn lên thoát nghèo, mua sắm thêm nhiều vật dụng, phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất, sinh hoạt, thu nhập dôi dư vài chục triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí.
Từ những nhân tố tích cực như chị Vốp, phong trào vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững ở làng Kuk Kôn đã chuyển biến tích cực khi số hội viên tham gia gửi tiết kiệm, vay vốn ngân hàng ngày càng tăng. Một số hội viên khác như chị Đinh Thị Dại từ chỗ vay vốn hộ mới thoát nghèo nay đã mạnh dạn chuyển sang vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mở cửa hàng buôn bán tạp hóa-dịch vụ trong làng kết hợp chăn nuôi bò, dê và trồng keo lai mang lại hiệu quả kinh tế, trở thành mô hình điểm để động viên, chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên, phụ nữ trong vùng.
Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững là một trong những hoạt động thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ. Xác định hội viên, phụ nữ là người giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình nên thông qua các buổi sinh hoạt Hội cơ sở, từng chi hội đã nắm bắt tình hình, nhu cầu thực tế của hội viên để có phương thức tiếp cận phù hợp. Không chỉ đưa ra các mô hình sinh kế, mô hình tiết kiệm để vận động hội viên học hỏi làm theo, Hội cũng đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, hướng dẫn cụ thể phương thức sử dụng vốn, phương thức tiết kiệm để phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ-cho biết: “Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong hội viên DTTS, chúng tôi đã tổ chức cho các chi hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình tiết kiệm hiệu quả ở xã Ya Hội, thực hiện kết nghĩa giữa chi hội người Kinh với chi hội người DTTS. Gắn với thực hành tiết kiệm, chúng tôi còn định hướng hội viên phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện địa phương”.
Thông qua công tác phối hợp ủy thác cho vay, tổng dư nợ tín dụng chính sách do Hội quản lý hiện đạt hơn 65,6 tỷ đồng/1.816 hộ vay. Đáng chú ý, số dư tiền gửi tiết kiệm tại 42 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý đạt gần 3 tỷ đồng, tăng 195 triệu đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Hội đã thành lập 5 câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 270 thành viên tham gia, nâng tổng số câu lạc bộ toàn huyện lên 15 câu lạc bộ với 408 thành viên, tổng số tiền hội viên đã tiết kiệm là hơn 565 triệu đồng. Từ nguồn tiết kiệm này, một số thành viên đã sử dụng làm nhà, sửa nhà, xây dựng công trình vệ sinh, mua sắm vật dụng trong gia đình…
Từ bước đầu thực hành tiết kiệm tại nhà chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi tháng tại tổ tiết kiệm và vay vốn là cả quá trình chuyển biến tích cực, nhất là trong đồng bào DTTS. Tiết kiệm gửi ngân hàng để chủ động tài chính, mạnh dạn vay vốn để cải thiện kinh tế gia đình là hướng đi của rất nhiều hội viên phụ nữ DTTS ở Đak Pơ. Theo kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tổng huy động vốn đạt hơn 21,7 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ chức, cá nhân và tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã là 1,986 tỷ đồng, huy động tiết kiệm thông qua tổ 827 triệu đồng. “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền huy động tiết kiệm tại địa phương, nhất là tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã. Đồng thời, chú trọng huy động tiết kiệm thông qua tổ, phấn đấu đưa 80% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng, nâng mức bình quân số dư gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt 2 triệu đồng/hộ”-bà Nguyễn Thị Thanh Thảo-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện-nhấn mạnh.
SƠN CA