(GLO)- Thời gian qua, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai đã mạnh dạn khởi nghiệp từ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hướng đi này vừa giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hình thành tổ liên kết sản xuất
Năm 2018, chị Nguyễn Thị Tuyến-hội viên chi hội Phụ nữ làng Klũh (xã Ia Lang) tham gia Tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn của xã. Khi tham gia, chị Tuyến cũng như 19 hộ khác trong tổ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với UBND xã. Để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, thức ăn sử dụng cho đàn gà và ngan của gia đình chị Tuyến hoàn toàn là lúa, bắp và các loại rau xanh được trồng trong vườn nhà. Chị Tuyến cho biết: “Bây giờ, mình là thành viên Tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng dễ hơn. Nhiều người đã biết tới sản phẩm sạch gia đình và tìm tới mua ngày càng nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Gấm, thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl (bìa trái) tách vỏ hạt điều tại cơ sở của gia đình. Ảnh: N.S |
Cũng là thành viên Tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn của xã Ia Lang nhưng chị Nguyễn Thị Sứ (làng Klũh) lại chọn mô hình trồng chanh dây xen với một số loại cây khác như: cà phê, mít, sầu riêng. Trên mảnh vườn hơn 2 sào, trước kia, gia đình chị chỉ trồng cà phê nên hiệu quả không cao. Năm 2018, chị đã cải tạo vườn để trồng 200 cây chanh dây. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình chị thu được 800 ngàn đồng từ vườn chanh dây. Bà Siu HBlin-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Lang-cho biết: “Ngoài mô hình của chị Tuyến và chị Sứ thì ở xã cũng có nhiều gia đình hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia sản xuất nông sản sạch như: trồng rau, nuôi bò, heo, gà cung cấp cho bà con trong xã cũng như trên địa bàn huyện. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới vấn đề khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ; hỗ trợ kinh phí để các mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn”.
Chế biến nông sản an toàn
Ở thôn Thanh Giáo (xã Ia Krêl), chị Nguyễn Thị Gấm được biết đến là một trong những phụ nữ đầu tiên mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình chế biến hạt điều. Từ năm 2016 đến nay, cơ sở gia công hạt điều Hiệp Gấm của chị đã được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được sản phẩm ưng ý, theo chị Gấm, ngay từ khâu lựa chọn hạt điều phải tiến hành cẩn thận, kỹ càng và không sử dụng chất bảo quản. Vì chế biến hạt điều hoàn toàn thủ công nên tốn rất nhiều thời gian, công sức. Việc sử dụng bếp củi và bếp than khi rang, hấp hạt điều sẽ tạo độ thơm ngon hơn cho sản phẩm. Từ chỗ phục vụ nhu cầu cho gia đình và những hộ dân trong vùng, đến nay, cơ sở gia công hạt điều Hiệp Gấm đã được nhiều khách hàng trong tỉnh biết đến.
Đặc biệt, trong năm 2018, mô hình chế biến hạt điều của gia đình chị Gấm được lựa chọn để tham gia diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp” và phiên chợ nông sản an toàn huyện Đức Cơ. Chị Gấm chia sẻ: “Người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ trồng rất nhiều điều nhưng khi thu hoạch thì chỉ xuất bán thô. Vì vậy, tôi đã nảy sinh ý tưởng chế biến hạt điều để tăng giá trị sản phẩm. Sau đó, tôi đầu tư mua máy về chế biến. Khi có sản phẩm, tôi gửi bà con, bạn bè dùng thử. Nhiều người dùng thấy sản phẩm hạt điều của tôi có chất lượng lại an toàn vì không có chất bảo quản. Cứ như vậy, đến nay, nhiều người đã biết đến thương hiệu hạt điều Hiệp Gấm”.
Để có nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ gia công, chế biến, chị Gấm đã dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi, chọn mua và nhân giống điều lùn từ Viện Cây giống Bình Phước. Ưu điểm của giống điều này là dễ chăm sóc, năng suất cao, trồng 2 năm đã cho thu hoạch. Không chỉ phục vụ cho cơ sở của gia đình, chị Gấm còn ươm giống điều lùn bán cho khách hàng gần xa.
Đánh giá về mô hình chế biến hạt điều của gia đình chị Gấm, bà Rơ Mah HDói-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Krêl-cho biết: “Mô hình chế biến hạt điều của gia đình chị Gấm hiện được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Đây được xem là hướng đi mới để các chị em hội viên trong xã học hỏi, làm theo và cũng là mô hình có thể phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Ngọc Sang