Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phụ nữ Gia Lai tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam cho rằng, tính mẫu hệ Tây Nguyên có trong nhiều lĩnh vực, nhưng lớn nhất và quan trọng nhất chính là bảo tồn văn hóa truyền thống. Ở Gia Lai, phụ nữ đã và đang có nhiều cách làm riêng để giữ bản sắc văn hóa trước những tác động của đời sống mới.
Trong các cộng đồng bản địa, ủ rượu là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Khi nguyên liệu để làm men truyền thống ngày càng hiếm, hơn nữa làm men rất mất thời gian nên nhiều người lựa chọn mua men bán sẵn. Ở huyện Chư Prông, phụ nữ các làng vẫn sử dụng tràn lan loại men ủ rượu không rõ nguồn gốc, gây nhiều tác hại đến sức khỏe. Vì lẽ đó, giữa năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ ủ men rượu truyền thống” tại làng Bang Ngol, xã Ia Bang. Bà Siu H'Thoan-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của huyện nhằm gìn giữ một nghề truyền thống của người Jrai, giúp đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng rượu.
 Tổ ủ men rượu truyền thống của phụ nữ làng Bang Ngol (xã Ia Bang, huyện Chư Prông). Ảnh: N.B
Tổ ủ men rượu truyền thống của phụ nữ làng Bang Ngol (xã Ia Bang, huyện Chư Prông). Ảnh: N.B
Để làm men rượu, chị em chọn mua các loại nông sản sạch tại địa phương như: gừng, gạo, ớt, trấu… và một số nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Quy trình ủ men được làm thủ công hoàn toàn. Bà Kpuih Piơ cho hay: “Thời gian ủ men là 2 ngày trong điều kiện mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Men sau khi ủ thành công có thể sử dụng lâu dài. Mỗi ghè rượu dùng 2 cục men ủ trong 7 ngày là sử dụng được. Phương pháp ủ men này do những người phụ nữ Jrai truyền lại qua các thế hệ, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên rất an toàn”. Theo bà Piơ, men có nhiều loại với màu sắc, hương vị khác nhau từ cách lựa chọn nguyên liệu, tạo sự phong phú về hương vị rượu cần truyền thống.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông chia sẻ: “Trước khi thành lập tổ, chúng tôi đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập mô hình ủ men rượu truyền thống của người Bahnar huyện Đak Đoa để học hỏi thêm kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ cố gắng khuyến khích các chi hội khác thành lập những mô hình tương tự, làm loại men đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường. Đây là một trong những mô hình giúp chị em gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa tăng thêm thu nhập vì nhu cầu sử dụng men ủ rượu truyền thống rất lớn”.
Mô hình làm men rượu truyền thống ngày càng hình thành rộng rãi ở những chi hội Phụ nữ có đông hội viên dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar, phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc. Hoạt động hiệu quả và được nhiều chi hội đánh giá cao là các tổ ủ men rượu của xã Kông Yang (huyện Kông Chro) khi sản phẩm được bán rộng rãi cho các xã xung quanh. Chị Đinh Chiêu (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) cho biết, nhiều năm nay, chị thường mua men từ xã Kông Yang để ủ rượu cần, tuyệt đối không dùng loại men không rõ nguồn gốc vì ám ảnh những trận ngộ độc rượu xảy ra trước đó trong làng, trong xã. “Hiện đã có nhiều chi hội Phụ nữ của huyện hình thành tổ làm men rượu nhưng men của phụ nữ xã Kông Yang được biết đến nhiều hơn cả. Men ở đây làm theo phương thức truyền thống. Chị em thường xuyên cập nhật quá trình đi lấy nguyên liệu từ tự nhiên cho đến khi làm ra sản phẩm đăng tải trên mạng xã hội Facebook để mọi người cùng biết. Người Bahnar có nhiều dịp trong năm để uống rượu, vì thế, mình luôn phải dùng thứ men tốt để rượu làm ra không ảnh hưởng sức khỏe người dùng”-chị Chiêu nói. Cũng theo chị Chiêu, trước đây, mẹ chị vẫn tự tay làm men để ủ rượu cần nhưng nay bà đã già, không thể vào rừng tìm nguyên liệu. Bản thân chị cũng biết làm men nhưng từ khi có sản phẩm từ các chi hội Phụ nữ khác, chị mua men bán sẵn để tiết kiệm thời gian.
Theo bà Đinh Thị Phơ-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning: “Sự hình thành các tổ làm men rượu truyền thống không chỉ góp phần đẩy lùi hiểm họa ngộ độc rượu mà còn phát huy vai trò của phụ nữ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, các chi hội còn thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa và có thể hỗ trợ nhau khi cần. Xã Đak Kơ Ning tuy chưa thành lập được mô hình làm men rượu nhưng đã thành lập được 12 tổ dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống, có thể bán cho các làng khác nếu họ cần”.
Mẫu hệ Tây Nguyên vốn là một nét văn hóa đặc trưng. Không chỉ ghè rượu để uống, bộ quần áo để mặc, bữa ăn hàng ngày mà đâu đâu cũng mang đậm dấu ấn của người phụ nữ. Từ những thói quen trong ăn, mặc đã hình thành nên đặc trưng văn hóa và quá trình trao truyền, phát huy các giá trị đó có sự tiếp sức của người phụ nữ. Hiện ở nhiều địa phương còn có các câu lạc bộ dệt thổ cẩm, cồng chiêng nữ… cho thấy, việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống có sự nỗ lực rất lớn của người phụ nữ. Đặc biệt, việc thành lập các đội cồng chiêng nữ là mô hình mới mẻ, khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, từ đội cồng chiêng nữ đầu tiên của làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang), đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 58 đội cồng chiêng nữ với trên 1 ngàn thành viên tham gia. Các đội chiêng nữ đã có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nhân các ngày lễ lớn, các lễ hội tại cộng đồng. Đây là mô hình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các buôn làng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong cuộc sống.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm