Xã hội

Phụ nữ Mang Yang giúp nhau thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội Phụ nữ huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã giúp hội viên tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo và cải thiện thu nhập.
Nhiều cách làm hay
Bà Trịnh Thị Liên-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Kon Dơng-cho biết: Thời gian qua, Hội đã triển khai các mô hình gây quỹ như: phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, nhóm tín dụng tiết kiệm... Đến nay, các mô hình đã tạo ra nguồn quỹ gần 780 triệu đồng giúp 70 hội viên vay phát triển sản xuất. Nhờ được hỗ trợ nên 7 hội viên đã thoát nghèo. Bà Đoàn Thị Minh Khiêm (tổ 6) cho hay: “Trước đây, nhà tôi trồng 2 ha hồ tiêu. Do hồ tiêu bị bệnh chết nên gia đình thất thu. Được Hội LHPN thị trấn hỗ trợ 3 con dê, đến nay, đàn dê đã phát triển lên 5 con”.
Hội viên phụ nữ làng Plên (xã Lơ Pang) trồng mì gây quỹ để giúp nhau có vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Hồng Thương
Hội viên, phụ nữ làng Plên (xã Lơ Pang) trồng mì gây quỹ để giúp nhau có vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Hồng Thương

Trong khi đó, tại xã Kon Thụp, 6 chi hội phụ nữ đều đã xây dựng được “Tổ góp vốn xoay vòng” và 5 chi hội có mô hình “Trồng mì gây quỹ”. Chị Kenh (làng Pơ Nang) cho hay: “Vợ chồng chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Vừa rồi, Chi hội cho mượn 1 triệu đồng để mua heo giống về nuôi”. Chị Pleng-Chi hội phó Chi hội Phụ nữ làng Pơ Nang thì cho hay: “Năm 2008, Chi hội mượn 1 ha đất trống của làng để trồng mì. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, Chi hội thu về hơn 20 triệu đồng. Chi hội sử dụng nguồn quỹ này cho 11 hội viên vay mua cây-con giống, phân bón chăm sóc vườn”. Nói về hiệu quả từ các mô hình gây quỹ, chị Hnhen-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin: Hiện nay, tổng số quỹ từ các tổ góp vốn xoay vòng đạt hơn 95 triệu đồng, các mô hình trồng mì mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Từ các nguồn quỹ này, Hội đã giúp 75 hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm, xã có ít nhất 2 hội viên thoát nghèo, nhiều hộ cải thiện được thu nhập.

Tương tự, xã Lơ Pang cũng có 3 chi hội xây dựng mô hình “Trồng mì gây quỹ” với tổng diện tích hơn 10 ha. Chị Lê Thị Toàn-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Mỗi năm, chi hội phụ nữ các làng gây quỹ được hơn 100 triệu đồng. Từ số tiền này, toàn xã có 150 hội viên được vay vốn để mua phân bón chăm sóc vườn cây, mua con giống đầu tư phát triển kinh tế.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả 
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Mang Yang chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng mô hình “Nhóm tín dụng tiết kiệm thôn bản”. Tại làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp), mô hình đã xây dựng nguồn quỹ 61 triệu đồng. Ban đầu, mỗi thành viên đóng 10 ngàn đồng/tháng. Sau đó, các chị chuyển sang giúp chị em nghèo về ngày công để trích một phần tiền đóng quỹ 3 ngàn đồng/người/tháng. Cách làm này vừa giúp chị em có tiền đóng quỹ, vừa giúp đỡ hội viên ngày công lao động. Đặc biệt, nhờ có nguồn quỹ, Chi hội đã giúp 15 chị vay mua phân bón chăm sóc vườn cây. Chị Amyet cho hay: “Nhờ được vay vốn từ “Nhóm tín dụng tiết kiệm thôn bản” cộng với tiền tiết kiệm mà mình đã chuyển đổi 3 sào mì kém hiệu quả sang trồng cà phê”.
Hội LHPN thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) trao mô hình sinh kế cho hội viên nghèo. Ảnh: Hồng Thương
Hội LHPN thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) trao mô hình sinh kế cho hội viên nghèo. Ảnh: Hồng Thương

Tương tự, “Nhóm tín dụng tiết kiệm thôn bản” làng Brếp (xã Đak Djrăng) đã giúp nhiều hội viên có nguồn vốn phát triển sản xuất. Chị Kim Thị Hồng Lự-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Djrăng-cho hay: Nhóm đã thu hút được 82 hội viên tham gia với nguồn quỹ 11,6 triệu đồng, giúp cho 5 hội viên vay. Tuy số quỹ đóng góp chưa nhiều nhưng phần nào giúp hội viên có thêm nguồn vốn kịp thời mua cây giống và phân bón để chăm sóc vườn cây.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Bẩy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang-cho biết: Ngoài 6 “Nhóm tín dụng tiết kiệm thôn bản”, trong năm 2020, Hội còn tặng 15 con dê giống cho hội viên nghèo; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt trên 112 tỷ đồng; hỗ trợ hội viên nghèo xây nhà. Ngoài ra, Hội cũng chỉ đạo các cơ sở Hội vận động hội viên giúp nhau ngày công; triển khai các mô hình gây quỹ đạt trên 1,7 tỷ đồng, giúp cho hơn 1.000 lượt hội viên vay. Cuối năm 2020, toàn huyện có 25 hội viên thoát nghèo. “Tới đây, Hội sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ sinh kế, vận động hội viên chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng rừng để cải thiện thu nhập”-Chủ tịch Hội LHPN huyện khẳng định.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm