Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Phụ nữ Sơ Pai trồng cây gây rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai) triển khai mô hình “Trồng cây gây rừng”, nhiều phụ nữ ở địa phương đã tận dụng những vùng đất trống, đồi trọc và đất trồng mì bạc màu để chuyển sang trồng cây keo. Việc trồng cây keo không chỉ hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cao.
Chị Đinh Thị Suy-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Tơ Kơr-cho hay: Được cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích và thực hiện hướng dẫn của Hội cấp trên, cuối năm 2018, Hội LHPN xã Sơ Pai đã triển khai mô hình “Trồng cây gây rừng” tại làng Tơ Kơr. Tham gia mô hình, các thành viên được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Đến nay, mô hình đã thu hút 50 thành viên tham gia, trồng được hơn 20 ha keo. 
   Chị Đinh Thị Cúc chăm sóc vườn keo 3 năm tuổi của gia đình. Ảnh: N.M
Chị Đinh Thị Cúc chăm sóc vườn keo 3 năm tuổi của gia đình. Ảnh: N.M
Theo chân chị Suy, chúng tôi đến thăm vườn keo của gia đình chị Đinh Thị Cúc (làng Tơ Kơr). Đang cùng một số hội viên, phụ nữ trong làng phát dọn thực bì, tỉa cành cho vườn keo 3 năm tuổi, chị Cúc kể, gia đình chị có hơn 8 ha đất sản xuất. Trước đây, chị dành 6 ha trồng cà phê, dổi, lúa; hơn 2 ha còn lại trồng mì. Sau nhiều năm trồng mì, đất bị bạc màu nên năng suất đạt thấp, giá mì lại bấp bênh, thu không đủ bù chi. Năm 2017, thấy trong làng có nhiều người trồng keo cho thu nhập cao, chị đã chuyển đổi 3 ha sang trồng loại cây này. “Cuối năm 2018, cán bộ Hội LHPN xã đã vận động tôi tham gia mô hình “Trồng cây gây rừng”. Tham gia mô hình, tôi và các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây keo. Các thành viên còn giúp đỡ nhau bằng cách đổi công, liên hệ với những đơn vị bán cây giống uy tín để mua tập trung nhằm giảm chi phí”-chị Cúc nói. 
Gia đình chị Đinh Thị Hoạt (làng Buôn Lưới) cũng có hơn 5 ha đất sản xuất. Trong đó, chị dành hơn 4 ha trồng cà phê, chanh dây và cấy lúa. Còn hơn 6 sào ở khu vực đồi cao, nhiều đá, gia đình chị  đành để cỏ dại mọc hoang suốt nhiều năm. Sau khi được Hội LHPN xã vận động, chị Hoạt đã phát dọn cỏ dại, cải tạo diện tích đất này để trồng keo. Chị Hoạt bộc bạch: “Trồng cây keo còn hơn để đất trống. Vợ chồng mình đang tính phá 6 sào cà phê ở khu vực đất trắng, năng suất thấp để chuyển sang trồng keo”.
Theo các hộ dân trồng keo đã cho thu hoạch thì trồng loại cây này không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư vừa phải, ít tốn công. Trồng cây keo như của để dành, đến kỳ thu hoạch (sau khi trồng 5 năm) được giá thì bán, còn không cứ để đó bởi cây lâu năm sẽ có giá bán cao hơn.  
Trao đổi với P.V, bà Đinh Thị Lưa-Chủ tịch Hội LHPN xã Sơ Pai-cho biết: Thực hiện chủ trương phủ xanh diện tích đất bạc màu của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn chuyển đổi sang trồng rừng. Đến nay, hội viên, phụ nữ đã chuyển đổi và trồng được 22 ha rừng, chủ yếu là cây keo. Giá cây keo tương đối ổn định, sau khi trừ các loại chi phí, người dân thu lãi khoảng 90 triệu đồng/ha. Với những diện tích đất bạc màu, không thể trồng cây nông nghiệp thì đây là khoản thu nhập khá cao. Đặc biệt, cây keo còn bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước và chống xói mòn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ chuyển các diện tích đất bạc màu, trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây keo. Đồng thời, Hội LHPN xã sẽ nhân rộng mô hình “Trồng cây gây rừng” ở các thôn, làng còn lại trên địa bàn”-bà Lưa thông tin thêm.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm