Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Phụ nữ uống rượu lái xe: Những thảm họa chết người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phụ nữ thường vốn bị coi là tay lái yếu so với cánh đàn ông, nhưng thời gian vừa qua, nhiều vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra lại do phụ nữ ngồi sau tay lái đã uống rượu, bia. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nguy hiểm này.

 Nữ tài xế lái Lexus đâm liên hoàn
Nữ tài xế lái Lexus đâm liên hoàn



Mới đây, vụ việc nữ tài xế Lexus đâm liên hoàn 9 xe ở ven hồ Tây, Hà Nội, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Cụ thể, khoảng 18h ngày 18/12, bà Trang cầm lái chiếc Lexus GX470 màu đen BKS 29A chạy trên đường Trích Sài (Hà Nội). Khi xe đến nhà số 81 Trích Sài, xe của bà Trang bất ngờ tông liên tiếp vào 3 người đi bộ trên vỉa hè. Sau đó, xe này tiếp tục tăng ga và tông liên tiếp 4 xe máy khác đi cùng chiều phía trước.

Chưa dừng lại, chiếc xe này còn tông trúng 1 taxi rồi đâm vào xe chuyên dụng của CSGT trước khi dừng lại. Lực lượng CSGT phải mở cửa xe, tắt máy ngay sau đó, đề phòng nữ tài xế tiếp tục gây hậu quả cho người khác.

Vụ việc khiến ít nhất 6 người bị thương, hàng loạt phương tiện hư hỏng.

Cảnh sát cho biết đã phát hiện nồng độ cồn trong khí thở của nữ tài xế xe Lexus. Người này đã uống rượu hoặc bia trước khi lái xe và có nồng độ cồn gần 0,7 miligam/lít khí thở, vượt quá mức cho phép.

Tuy nhiên, đây không phải vụ đầu tiên phụ nữ uống rượu lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.

Cách đây 2 tháng, vụ việc một nữ tài xế lái chiếc BMW gây tai nạn liên hoàn thương tâm ở ngã tư Hàng Xanh (phường 21, quận Bình Thạnh, TP. HCM) khiến dư luận lên án gay gắt.

Theo đó, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 21/10, chiếc ô tô hiệu BMW do nữ tài xế tên Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) điều khiển, chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng quận 3 đi cầu Sài Gòn. Khi đến ngã tư cầu vượt Hàng Xanh, xe này bất ngờ mất lái, tông 5 xe máy và một taxi đang lưu thông cùng chiều, sau đó tiếp tục đâm vào một chiếc taxi.


 

Sau khi uống rượu, phụ nữ lái BMW đã gây tai nạn kinh hoàng
Sau khi uống rượu, phụ nữ lái BMW đã gây tai nạn kinh hoàng



Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu.

Tại trụ sở công an, bà Nga khai nhận có uống nhiều bia rượu trước khi lái xe. Trên đường lái xe về nhà, bà ngủ gục, không làm chủ tốc độ và gây ra vụ tai nạn kinh hoàng này.

Cơ quan công an đã tiến hành đo nồng độ cồn với bà Nga, kết quả cho thấy nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định. Cụ thể, kết quả: 0,94 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, sau đó, luật sư của bà Nga cho rằng thân chủ gây tai nạn do vướng quai giày vào chân ga khiến bà quýnh quáng đạp nhầm.

Thực tế, có vô số lý do phụ nữ lái xe gây tai nạn, mà đa số là có thể phòng ngừa được, như: Lái xe chưa thuần thục, mang giày cao gót, uống bia rượu, trang điểm khi đang lái xe, phân tâm, suy nghĩ về gia đình, công việc khi lái xe...

Nhưng, gần đây, số trường hợp phụ nữ uống rượu bia lái xe gây tai nạn có xu hướng ngày càng tăng.

Có thể thấy, điểm chung của nhiều vụ tai nạn tại Việt Nam, đặc biệt là vào buổi tối, có nhiều tác nhân đến từ bia rượu. Dù số lượng tài xế lái xe ô tô sau khi uống rượu ít hơn xe máy nhưng khi gặp sự cố thường gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn, chủ yếu làm ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh mạng của người khác.

Lái xe sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong bia, rượu đều chứa ethanol hay còn gọi là cồn, chất rất độc hại cho cơ thể gây ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động.

Uống rượu bia, ngoài việc làm tổn thương các bộ phận cơ thể người thì trong khoảng thời gian nhất định sau khi uống rượu còn bị giảm thể lực, giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp này rất nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn và ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Do đó, chị em khi đã uống rượu bia thì tuyệt đối không nên cầm vô lăng, nhằm loại trừ nguy hiểm cho chính mình cũng như những người tham gia giao thông khác.



Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:


- Phạt tiền từ 2 tới 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 7 tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy từng trường hợp.

Còn Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

- Nếu không có giấy phép lái xe theo quy định; lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.



Anh Tuấn (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm