Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phụ nữ xã Ia Ka khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 1-2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka (huyện Chư Pah) tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc”. Từ đó đến nay, đây là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ của hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chung tay bảo tồn âm nhạc dân tộc
Chia sẻ về ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc”, bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã-cho biết: Mong muốn của Hội là tạo một sân chơi lành mạnh cho chị em và người dân, qua đó khơi dậy tình yêu âm nhạc, nhất là nhạc cụ dân tộc. Khi ý tưởng này được đưa ra, nhiều nghệ nhân có tiếng trong vùng như: Rơ Châm H’Mút, Rơ Châm Nha, Rơ Châm Guk... đều tự nguyện tham gia với mong muốn truyền dạy cách chơi cồng chiêng, hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ. Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút (làng Mrông Yố 2) chia sẻ: “Lâu nay, tôi luôn trăn trở tìm cách gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình trước nguy cơ mai một. Hiện giờ, lớp trẻ rất ít người biết chế tác và chơi đàn goong, t’rưng, kní... Vì vậy, khi được mời tham gia, tôi nhận lời ngay. Tôi sẽ truyền dạy hết những gì mình biết, giúp các cháu hiểu được giá trị âm nhạc, bản sắc văn hóa dân tộc mình để có ý thức giữ gìn và phát huy”.    
Ông Rơ Châm Nha đã gần 80 tuổi nhưng cũng tích cực tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ. Ảnh: N.N
Ông Rơ Châm Nha đã gần 80 tuổi nhưng cũng tích cực tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ. Ảnh: N.N
Gần 80 tuổi nhưng ông Rơ Châm Nha-già làng Mrông Yố 1 cũng hăng hái góp sức với CLB. Già Nha là một trong những người tài hoa của xã Ia Ka khi biết chế tác và chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, biết hát dân ca, đánh cồng chiêng, kể khan (hát kể sử thi). Mong muốn truyền lại tình yêu với văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, già Rơ Châm Nha không ngại tuổi cao sức yếu. “Tôi mong các cháu siêng năng học tập, kế thừa và phát huy để giá trị văn hóa dân tộc mình không bị mất đi”-già Nha nói.
Sân chơi lành mạnh, bổ ích
Câu lạc bộ “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” xã Ia Ka hiện có 20 thành viên là hội viên, phụ nữ và thanh-thiếu niên trong làng. Câu lạc bộ được 4 nghệ nhân tham gia hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trình diễn nhạc cụ dân tộc. Em Hyin (làng Mrông Yố 1) phấn khởi cho hay: “Em rất thích các loại nhạc cụ dân tộc nhưng không biết cách chơi. Vì vậy, em mong muốn tham gia sinh hoạt tại CLB thường xuyên để được các nghệ nhân truyền dạy. Em tin là mình sẽ sớm chơi được một số nhạc cụ quen thuộc”. 
Một tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc chào mừng ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” xã Ia Ka. Ảnh: N.N
Một tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc chào mừng ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” xã Ia Ka. Ảnh: N.N
Là một trong những hội viên tích cực trong công tác Hội, chị Rơ Châm Alui được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB. Chị chia sẻ: Tham gia CLB, các thành viên có điều kiện học hỏi từ các nghệ nhân cách chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, ngoài ra còn được bổ sung kỹ năng về sinh hoạt nhóm. Bên cạnh đó, CLB còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết, kịp thời giúp đỡ nhau lúc khó khăn. 
Nhận xét về mô hình CLB “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” xã Ia Ka, bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pah-cho biết: “Đây là CLB “Phụ nữ với nhạc cụ dân tộc” đầu tiên được thành lập trên địa bàn. Tôi mong rằng các nghệ nhân sẽ tiếp tục quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy âm nhạc, nhạc cụ dân tộc cho các thành viên CLB và người dân trên địa bàn, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pah sẽ nhân rộng mô hình tương tự tại các xã, thị trấn còn lại”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm