Nguyên nhân là bởi các xã trong huyện Phú Thiện đều gặp khó trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện-cho hay: Môi trường sống ở các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số khu dân cư thường hay bị ngập úng cục bộ vào mùa mưa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân có nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước hợp vệ sinh còn thấp và vẫn còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Số bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng còn ít nên tình trạng xả rác ra bờ ruộng, kênh mương còn phổ biến. Nhiều xã chưa có nhân lực, phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt tập trung nên người dân chủ yếu chôn lấp rác tại vườn nhà.
Xã Ia Yeng có 1.228 hộ, trong đó, hơn 94% là hộ người dân tộc thiểu số. Đến nay, xã mới đạt 10/19 tiêu chí NTM. Trong 9 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn đối với xã.
Ông Nguyễn Văn Tỵ-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Hiện nay, trên địa bàn xã không có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung nên người dân chủ yếu dùng nước giếng. Tuy nhiên, do nước giếng bị nhiễm phèn nên nhiều hộ phải mua nước bình về sử dụng.
Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn chưa được thu gom, xử lý tập trung; bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa chỉ đạt khoảng 15%. Ngoài ra, nhiều hộ không có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều hộ còn giữ thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn hoặc gần nơi ở…
Đơn cử như gia đình anh Siu Toa (thôn Kte Nhỏ, xã Ia Yeng) nhiều năm nay thường xuyên nuôi nhốt hơn 10 con bò dưới gầm nhà sàn. Khi Ban Nhân dân thôn và chính quyền địa phương tuyên truyền việc nhốt bò dưới gầm nhà sàn không đảm bảo vệ sinh môi trường và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì anh giải thích là do gia đình có ít đất, kinh tế còn khó khăn nên chưa có điều kiện làm chuồng.
Bà Ksor H’Doái-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kte Nhỏ-cho biết: “Làng có 296 hộ thì hơn 50% có chăn nuôi bò, dê. Mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nhưng thói quen của bà con rất khó thay đổi. Nhiều hộ cho rằng bò là tài sản có giá trị lớn nên thường nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn để bảo vệ”.
Bên cạnh những tồn tại trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường thì huyện Phú Thiện cũng đang gặp khó trong việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Hiện nay, Nhà máy nước sạch sinh hoạt Ayun Hạ chủ yếu cung cấp nước cho 2 xã Ayun Hạ, Ia Ake và thị trấn Phú Thiện nhưng mới chỉ đạt khoảng 65% số hộ; còn 7 xã chưa được đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung gồm: Ia Hiao, Chrôh Pơnan, Ia Peng, Ia Piar, Ia Sol, Ia Yeng và Chư A Thai.
Ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Để cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ngành đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống nước sạch đấu nối với công trình nước sạch tập trung của huyện.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 46,9 tỷ đồng với 113,4 km tuyến đường ống chính và ống thứ cấp để cung cấp nước sạch cho hơn 4.262 hộ dân ở các xã: Ia Peng, Ia Hiao, Ia Yeng, Chư A Thai, Ia Sol, Ia Piar và Chrôh Pơnan.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Vấn đề môi trường và cấp nước sạch nông thôn là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của huyện Phú Thiện đến năm 2025 là có tối thiểu 25% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn; trên 35% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; ít nhất 60% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh…