Xã hội

Phú Thiện hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của người dân, công tác giảm nghèo của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 1.285 hộ nghèo, chiếm 6,52%, giảm 2,62% so với đầu năm, vượt 0,92% so với chỉ tiêu tỉnh giao.  
Kết quả tích cực
Song song với việc huy động các nguồn lực đảm bảo công tác an sinh xã hội thì công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo tại địa phương. Năm 2022, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm với 255 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Cùng với đó, Phòng phối hợp với UBND xã Chư A Thai và Trường Cao đẳng Gia Lai mở lớp đào tạo nghề xây dựng cho 20 học viên. Sau khi khóa học kết thúc, các học viên lập thành từng nhóm nhỏ nhận khoán các công trình xây dựng đơn giản, giúp tăng thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng so với trước đây.
Theo bà Huỳnh Thị Tư-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, nhờ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 59,52% tổng số lao động; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh 6.395 người, cao hơn số lao động quay trở về địa phương trong thời điểm dịch Covid-19. Thu nhập của nhiều người ổn định hơn, đời sống được cải thiện nhiều mặt.
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng giúp người dân phát triển sản xuất. Ảnh: Vũ Chi
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng giúp người dân phát triển sản xuất. Ảnh: Vũ Chi
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi. Qua 20 năm triển khai, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giúp cho 10.640 lượt hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho 1.441 lao động nông thôn, hỗ trợ 2.796 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giải quyết cho 64 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và quyết tâm của người dân, đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 1.285 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52%, giảm 2,62% so với đầu năm, vượt 0,92% so với chỉ tiêu tỉnh giao; trong đó, 1.110 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,86%, giảm 4,28% so với đầu năm, vượt 1,78% so với kế hoạch. Đặc biệt, tất cả 10 xã, thị trấn đều đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.
Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Ia Peng là xã duy nhất của huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2022. Ông Siu Thiêm-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã tranh thủ các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát, làm nhà vệ sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, toàn xã chỉ còn 64 hộ nghèo, chiếm 4,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm.
Việc triển khai cánh đồng lúa lớn một giống đã giúp người dân Phú Thiện nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh: Vũ Chi
Việc triển khai cánh đồng lúa lớn một giống đã giúp người dân Phú Thiện nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ảnh: Vũ Chi
Theo tiêu chí đánh giá mới, huyện Phú Thiện hiện có 2 xã khu vực III, 8 xã khu vực II và 27 thôn, làng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 62,6%. Vì vậy, song song với Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn giai đoạn 2, huyện tiếp tục triển khai xây dựng khu tái định cư tại thôn Thắng Lợi 3 cho 34 hộ dân khu vực Suối Cạn (xã Ia Sol) và tiến tới sắp xếp, ổn định dân cư thôn Kram, thôn Đoàn Kết (xã Ia Yeng). Các dự án không chỉ giúp người dân an cư mà còn là động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo, coi đây là tiêu chí đánh giá cấp ủy chính quyền, đoàn thể hàng năm. “Phải xác định rằng, “con cá” giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn trước mắt nhưng “cần câu” mới giúp họ thoát nghèo bền vững. Việc hỗ trợ nhà ở, trao sinh kế, vốn vay là cần thiết nhưng phải mở các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, triển khai các mô hình, dự án để người nghèo trực tiếp tham gia; tích cực tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất để người nghèo học hỏi làm theo, vươn lên làm giàu”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm