(GLO)- Huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang gấp rút chuẩn bị cho ngày khai màn Năm Du lịch 2019 với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm khai thác triệt để các điểm du lịch như: đại công trình thủy nông Ayun Hạ, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, Di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”…
Vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, du khách sẽ được đắm mình trong huyền tích về các vị Vua Lửa-Yang Pơtao Apuih ở vùng đất Hỏa Xá (thung lũng Ayun Pa).
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Xuôi đèo Chư Sê theo quốc lộ 25 vài cây số, rẽ trái vào con đường bê tông rộng rãi, du khách sẽ đến Khu Di tích LSVH cấp quốc gia Plei Ơi (thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Tại đây có một cộng đồng Jrai thuần khiết còn lưu giữ 33 nóc nhà sàn truyền thống với nhiều tập quán văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, nơi đây có một căn nhà dài để trưng bày các đồ vật, cồng chiêng, trống của người Jrai; thêm một căn nhà sàn nhỏ hơn sát bên làm nhà cúng tế cho các Vua Lửa và một nhà chòi để cất giữ thanh gươm thần tương truyền có quyền năng hô mưa, gọi gió. Tổng thể Khu Di tích được xây dựng tựa lưng vào núi Ba Hòn vững chãi, phía trước là khoảnh sân bê tông rộng nhìn ra cánh đồng lúa xanh bát ngát. Mặc dù Siu Luynh-Vua Lửa đời thứ 14, cũng là vị Vua Lửa cuối cùng-đã mất năm 1999, nhưng huyền tích về các vị Vua Lửa vẫn còn hiện hữu ở vùng đất Hỏa Xá.
Đường vào Plei Ơi-Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Đức Thụy |
Theo ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện, mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày (30- 4 và 1-5) với nhiều hoạt động chính tại 3 địa điểm là: Khu Di tích LSVH Plei Ơi (xã Ayun Hạ), làng Rbai (xã Ia Piar) và thắng cảnh hồ sen (xã Ia Yeng).
Tại Khu Di tích LSVH Plei Ơi, du khách sẽ được đắm mình trong không gian Di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”; tham quan thắng cảnh núi Ba Hòn; tham quan, bái Phật, ăn cơm chay tại chùa Quang Sơn; tìm hiểu văn hóa, ẩm thực của đồng bào Jrai; mua sắm tại các gian hàng sản vật của địa phương trong khuôn viên di tích; tham gia Hội thi trình diễn cồng chiêng của các làng trong huyện.
Tại xã Ia Piar sẽ diễn ra lễ rước nước từ bến nước ở bờ sông Ayun về làng Rbai và tổ chức lễ cúng cầu mưa Yang Ơi Dai; tổ chức trình diễn cồng chiêng; tham quan mua sắm các gian hàng sản vật của địa phương; hội thi các trò chơi truyền thống. Còn tại xã Ia Yeng, du khách sẽ được trải nghiệm lễ thổi tai của người Jrai; chèo thuyền ngắm cảnh hồ sen đang vào mùa nở rộ giữa bát ngát trời mây…
Đưa du khách đắm mình vào lễ hội
Ông Phạm Văn Trần Hưng-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện-cho hay: Tại 3 địa điểm diễn ra lễ hội dịp 30-4 và 1-5 này, Ban tổ chức sẽ dành nhiều không gian để du khách được hòa mình vào các hoạt động như tham gia các trò chơi: bịt mắt đánh chiêng, thi đi cà kheo, ném còn… cùng với dân làng; tổ chức giã gạo trên nhà sàn truyền thống của người Jrai; thưởng thức các món đặc sản của người dân bản địa…
Một góc khuôn viên Khu Di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy |
Đặc biệt, huyện Phú Thiện phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông đầu mối-Kênh chính Ayun Hạ tổ chức đội du thuyền phục vụ du khách khám phá thiên nhiên giữa lòng hồ Ayun Hạ. Cùng với đó là tổ chức cho du khách chèo thuyền chụp ảnh check-in trên hồ sen rộng hơn 11 ha đang nở rộ ở xã Ia Yeng.
Mặc dù lễ hội du lịch năm nay vẫn tổ chức ở quy mô cấp xã nhưng các hoạt động đa dạng hơn nhằm giới thiệu đến du khách các danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện. “Đây cũng là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch và thế mạnh của địa phương, từ đó thu hút đầu tư, từng bước hình thành và kết nối tour du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, du lịch LSVH, du lịch tâm linh…”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện cho biết thêm. Chính quyền huyện Phú Thiện đang gấp rút triển khai các bước chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như đảm bảo an toàn cho du khách tham quan lễ hội.
Cộng đồng Jrai cùng làm du lịch
Không chỉ có chính quyền và các ngành chức năng xắn tay vào làm du lịch mà điều đáng ghi nhận là dịp này, huyện Phú Thiện cũng tạo điều kiện để người dân địa phương cùng vào cuộc. Theo đó, cộng đồng người Jrai ở làng Rbai (xã Ia Piar) sẽ cùng nhau tổ chức lễ hội cầu mưa Yang Ơi Dai-một nét tín ngưỡng đặc sắc gắn với các Pơtao Apuih.
Rơlan Hiao, phụ tá Vua Lửa cuối cùng di chuyển gươm thần từ nơi cất giữ về “nhà mới”. Ảnh: Đ.P |
Trưởng thôn Rbai B-ông Nay Khuôn cho hay: Dịp lễ hội, mỗi nhà tự nguyện đóng góp vài ống gạo, 1 con gà hoặc heo, vài ghè rượu… để làm lễ cúng, qua đó tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Cùng với đó, tại lễ hội năm nay, dân làng Rbai A, B còn tổ chức nhiều gian hàng bày bán sản vật do chính tay mình làm ra như: heo, gà, các loại rau xanh, lá mì, cà đắng, xoài, ổi... Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực phục vụ những món đặc sản của địa phương như: cơm lam, gà nướng, canh lá mì cà đắng, thịt bò một nắng. “Nhà mình cũng có một gian hàng bán các loại túi xách, khăn quàng, quần áo làm từ thổ cẩm do vợ và con gái tự dệt”-Trưởng thôn Nay Khuôn hào hứng nói.
Ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar-cho hay: “Hai năm gần đây, xã xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để dân làng Rbai A, B tổ chức lễ hội cầu mưa và ưu tiên đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cùng với đó, xã đang nghiên cứu các hình thức phối hợp quảng bá để nhiều người biết đến lễ hội; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Trong thời gian diễn ra lễ hội, xã sẽ tìm cách kết nối với các đơn vị lữ hành ở Pleiku để đưa các đoàn khách xuống địa phương tham quan”.
Được sự đầu tư của các cấp, các ngành, huyện Phú Thiện cũng đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lễ hội truyền thống của người Jrai. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện quảng bá hình ảnh đến đông đảo du khách tham quan. Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành khẳng định: “Theo kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, huyện xác định trọng tâm là phát huy lợi thế điểm du lịch hồ Ayun Hạ, Di tích LSVH cấp quốc gia Plei Ơi và Di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”. Cùng với đó là quan tâm hướng dẫn, vận động người dân địa phương tham gia làm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng với hình thức homestay, đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong ứng xử, giao tiếp với du khách”.
ĐỨC PHƯƠNG