Kết quả đáng ghi nhận
Chư A Thai hiện là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện với 85% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do nhận thức còn hạn chế nên tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà, học sinh bỏ học theo cha mẹ đi làm nương rẫy vào mùa vụ vẫn còn xảy ra.
Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã ra mắt và vận hành 1 “Địa chỉ tin cậy”, 1 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 3 Tổ truyền thông cộng động.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế; phối hợp tổ chức đối thoại giữa hội viên phụ nữ với cấp ủy và chính quyền cùng cấp; tham gia các cuộc thi liên quan tới phòng-chống bạo lực gia đình do các cấp tổ chức.
Chị Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư A Thai chia sẻ: “Thông qua dự án 8, nhận thức của chị em phụ nữ trên địa bàn xã được nâng cao. Chị em tự tin nói lên tiếng nói của bản thân và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà giảm đáng kể. Chị em tự giác đến Trạm y tế để được tư vấn, khám thai định kỳ và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe”.
Tại xã Ayun Hạ, Hội LHPN xã phối hợp thành lập 1 “Địa chỉ tin cậy” và 1 Tổ truyền thông cộng đồng. Chị Phạm Thị Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin: Ngoài việc truyền thông trực tiếp tại các thôn bằng cách sử dụng loa kéo di động, Tổ truyền thông cộng đồng còn tích cực tuyên truyền trên không gian mạng với các nội dung phòng-chống bạo lực gia đình, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng-chống tín dụng đen. Qua đó, chị em biết cách bảo vệ bản thân, tiết kiệm trong chi tiêu để phát triển kinh tế và nuôi dạy, giáo dục con cái…
“Thông qua Dự án 8 đã mang lại sự phấn khởi trong hội viên phụ nữ. Chị em được tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua đó nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần”-chị Thủy thông tin.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Dự án 8, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện Lê Thị Kim Cúc cho biết: Sau 3 năm triển khai, Hội LHPN các cấp trong huyện đã phối hợp thành lập được 12 Tổ truyền thông cộng đồng; 3 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 3 mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; cấp 12 loa kéo phục vụ công tác tuyên truyền tại thôn, làng. Hội đã tổ chức các lớp tập huấn, chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ…
Bước đầu, các mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, người dân vùng đồng bào DTTS trong phòng-chống bạo lực gia đình; phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới…
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song theo Chủ tịch Hội LHPN xã Ayun Hạ, quá trình triển khai Dự án 8 địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong đó gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn chưa thể triển khai bởi không tìm được đối tượng đủ tiêu chuẩn. Những chị người DTTS thuộc diện hộ nghèo lại không thực hiện đúng chính sách dân số, ngược lại một số chị sinh đẻ có kế hoạch nhưng không thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, nguồn vốn cấp về xã chậm trong khi hồ sơ thanh quyết toán phức tạp nên đến thời điểm hiện tại xã chưa giải ngân được.
Còn Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Yeng-chị Ksor H’Den cho hay: “Là Dự án mới trong khi các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, cán bộ Hội chưa có kinh nghiệm, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ dẫn đến quá trình triển khai chậm. Hội LHPN xã mong muốn các cấp có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong triển khai các gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn trong thanh quyết toán nguồn vốn tại địa phương”.
Theo thống kê, tổng nguồn vốn phân bổ về huyện Phú Thiện trong 2 năm (2022 và 2023) trên 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cấp Huyện mới giải ngân được gần 50%, cấp xã chưa giải ngân. Riêng hơn 1 tỷ đồng nguồn vốn năm 2024 cả cấp huyện và cấp xã đều chưa giải ngân được.
Bà Phạm Thị Soa-Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện thông tin: Quá trình triển khai Dự án 8, địa phương gặp một số khó khăn như: Định mức chỉ hỗ trợ 1 lần duy nhất cho các mô hình quá thấp không đủ để triển khai hoạt động; kinh phí được giao nhiều nhưng nội dung thực hiện của Dự án phần lớn chỉ chi các lớp tập huấn, các hội nghị tuyên truyền, truyền thông, đối thoại chính sách mà đầu mục chi các nội dung theo văn bản đính kèm lại thấp nên khó có thể giải ngân được hết vốn.
Bên cạnh đó, việc rà soát các gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn hiện nay của các thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do các đối tượng khó đáp ứng yêu cầu; cấp xã còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí ngân sách chi tiết nên tỷ lệ giải ngân thấp.
“Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương; chỉ đạo Hội LHPN các xã học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai Dự án; thường xuyên kết nối với các cấp Hội để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo đúng kế hoạch đề ra”-Bà Soa nhấn mạnh.