Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phục dựng nghi lễ truyền thống: Độc đáo những sắc màu văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hoạt động phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với diễn tấu cồng chiêng tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách xa gần. Nhiều sắc màu văn hóa được tái hiện sinh động, phản ánh chân thực đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, khiến du khách lưu luyến mãi dù Festival đã chính thức khép lại.
Tất cả các lễ cúng đều thể hiện ước muốn của dân làng về những điều tốt đẹp, xua đuổi điều xấu xa, thiên tai, dịch bệnh; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cảm ơn các đấng thần linh luôn chở che, phù hộ cho buôn làng.
Đặc sắc Lễ cúng cầu an
Bình an và sức khỏe là điều quan trọng mà ai cũng mong muốn. Cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên cũng vậy. Ba trong số 5 nghi lễ được phục dựng tại Festival lần này đều liên quan đến chuyện cầu an, song không phải vì thế mà thiếu đi sự mới mẻ, độc đáo. Mỗi dân tộc có những hình thức, lễ vật cúng khác nhau và tùy theo từng nghi lễ mà người đứng ra chủ trì là thầy cúng hoặc già làng.
 
 Đeo vòng cho chủ nhà-một nghi thức trong Lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê. Ảnh: Hồng Thi
Đeo vòng cho chủ nhà-một nghi thức trong Lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê. Ảnh: Hồng Thi
Tái hiện trang trọng, chân thực lễ cúng cây nêu cầu an-một trong những nghi lễ quan trọng của dân tộc Ê Đê, các nghệ nhân đến từ buôn Ko Siêr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) đã để lại ấn tượng trong lòng du khách bởi những nghi thức thú vị như: cúng sức khỏe, trao vòng cầu an trong âm điệu trầm bổng của bài chiêng “Drông tuê” (Đón khách), “Ghat khil” (Múa khiên) hay làn điệu dân ca mộc mạc Chi Ri Ria được đệm bằng kèn Đing Năm. Cúng sức khỏe là nghi thức được cộng đồng Ê Đê tiến hành thường xuyên để cầu xin các vị thần che chở, phù hộ cho chủ nhà và những người thân trong gia đình, dòng họ dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Lễ vật gồm 3 chén cơm, 3 món thịt và 3 ché rượu cần để mời các vị thần cùng ông bà đã khuất về chứng giám. Một điểm đáng chú ý trong lễ cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê Đê là nghi thức đeo vòng cho chủ nhà. Thông qua những chiếc vòng đồng, dây chuỗi hạt, thầy cúng và những người trong dòng họ muốn gửi gắm tình cảm cùng lời chúc sức khỏe, cuộc sống no đủ, không gặp điềm xấu, điềm gở, được thần linh phù hộ… đến gia chủ.
Cũng là cầu an, song lễ cúng sức khỏe (Ôp Brah Broh Srê) của người MNông lại do già làng chủ trì và được tổ chức chung cho cả buôn làng trong những ngày đầu năm mới. Lễ cúng nhằm tạo cho dân làng sự thoải mái tinh thần, tự tin hơn trong công việc, cảm thấy luôn được che chở. Đây cũng được coi là dịp “ăn mừng” đối với những người bị bệnh đã tai qua nạn khỏi, mạnh khỏe trở lại. Trong lễ cúng này, người MNông cũng thực hiện trao vòng sức khỏe, nhưng không phải trao cho chủ nhà như lễ cúng của người Ê Đê mà là con cháu trong làng trao cho già làng và ngược lại. Cùng với đó, người MNông còn tiến hành nghi thức bôi huyết (vịt, dê) lên người để trừ xóa chất độc, xua đuổi bệnh dịch, giúp mọi người hết đau ốm, có cuộc sống khỏe mạnh, bình an. Đặc biệt, bao quanh khu vực diễn ra lễ cúng là một hàng rào được làm bằng những cây có gai, ở cửa trước có 7 cây chông với quan niệm những dụng cụ này sẽ cản ngăn các con vật gây hại xâm nhập vào buôn làng.
Với đồng bào Bahnar Bắc Tây Nguyên, lễ cầu an cũng đã xuất hiện từ ngàn đời xưa. Nghệ nhân A Thút (đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum) cho biết, lễ hội này thường được tổ chức sau khi dân làng đã thu hoạch xong mùa màng trên ruộng rẫy. Với cộng đồng người Bahnar nhóm Rơ Ngao, lễ cúng cầu an không thể thiếu hình nộm, đao, kiếm, giáo mác, khiên và vật hiến sinh. Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng Yàng những lễ vật hiến sinh phù hợp, có thể là trâu, bò, heo hoặc gà… Sau khi già làng kết thúc lời cầu khấn thần linh, dân làng tiến hành nghi thức xua đuổi tà ma. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng hô vang cùng điệu múa xoang của các nghệ nhân càng khiến nghi lễ thêm phần sinh động.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã An Phú, TP. Pleiku) vui vẻ chia sẻ: “Đến xem hoạt động phục dựng các lễ hội, tôi được mở mang thêm vốn sống về những nét văn hóa độc đáo, thú vị không chỉ của đồng bào Bahnar, Jrai mà còn từ các dân tộc khác. Các nghệ nhân thể hiện rất có hồn, chân thực và thu hút. Họ đánh cồng chiêng, múa hát cũng rất hay”.
Từ “sạ lúa” đến “mừng nhà rông mới”
Ngoài các nghi lễ với mục đích cầu an, đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên còn mang đến Festival những nghi lễ nông nghiệp thú vị như lễ sạ lúa của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) hay lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar (tỉnh Gia Lai).
 Lễ mừng nhà rông mới của đồng bào Bahnar ở huyện Kbang. Ảnh: H.T
Lễ mừng nhà rông mới của đồng bào Bahnar ở huyện Kbang. Ảnh: H.T
Đồng bào dân tộc Chu Ru là cư dân trồng lúa nước. Vì thế, các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như: cúng đầu mùa, cúng sạ lúa, rửa chân trâu, mừng lúa trổ bông, mừng gặt lúa… được tổ chức trải dài suốt quá trình canh tác ruộng. Theo chị Touneh Ma Tina (đoàn nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng), lễ sạ lúa (Drà Pơdai) được từng gia đình tổ chức tại ruộng vào thời điểm tháng 4, tháng 5 dương lịch nhằm xin thần Đất, thần Nước, thần Núi bảo vệ, đừng cho chim thú phá hoại, đừng cho mưa xuống trôi giống, mong hạt lúa nảy mầm đều, phát triển tốt cho đến khi lúa trổ bông và chín đều. “Lễ vật cúng gồm có 1 nải chuối xanh, 2 quả trứng gà, 1 con gà, 2 chén cơm trắng, 1 ché rượu cần và 1 cây nêu. Người nhà phải mời già làng cùng dòng họ đến tham dự lễ. Sau khi cúng, những thành viên trong gia đình sẽ lấy lúa đem sạ; sạ xong, họ sẽ tập trung ăn mừng, nhảy múa, tạ ơn Yàng đã cho gia đình hoàn thành công việc, đồng thời cảm ơn già làng và bà con đến dự lễ”-chị Tina cho hay.
Lễ hội mừng nhà rông mới của chủ nhà Gia Lai cũng nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Riêng với người Bahnar ở tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Kbang nói riêng, lễ hội mừng nhà rông mới cũng là một trong những lễ hội lớn của cộng đồng làng. Việc phục dựng lễ hội được bà con làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) thực hiện nguyên bản, chân thực ngay tại nhà rông làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku) từ việc chuẩn bị lễ vật đến quá trình cúng cây nêu, cột nhà và trong nhà rông. Đây là dịp để toàn thể dân làng thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh đã giúp đỡ hoàn thiện xong nhà rông; bên cạnh đó cầu xin các thần tiếp tục phù hộ, bảo vệ cả làng. “Được cùng dân làng đại diện cho huyện, tỉnh thực hiện phục dựng lễ hội mừng nhà rông mới tại Festival, mình cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đây cũng là dịp để bà con mình giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống đang dần mai một”-nghệ nhân Đinh Văn Xuân (làng Mơ Hra) phấn khởi nói.
Chăm chú dõi theo từng động tác của các nghệ nhân, bà Lâm Thị Kim Âu (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Lâu rồi tôi không được về làng nên khi thưởng thức lễ hội của các dân tộc, tôi khá ấn tượng. Hy vọng những năm sau, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những sự kiện như thế này”.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm