Du lịch

Phục hồi du lịch nội địa - An toàn là điểm cốt lõi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, ngày 28-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã công bố "Chương trình khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4".
Toàn cảnh lễ phát động chương trình
Kết nối du lịch xanh
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với việc khởi động lại chương trình đón khách quốc tế tới Phú Quốc mà Bộ VH-TT-DL đang xây dựng, việc có thể làm được ngay là khôi phục du lịch nội địa. Không đưa ra lộ trình cụ thể về thời gian song việc đưa ra các tiêu chí về an toàn được coi là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp có thể tự xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch.  
Cụ thể, trong chương trình này, Hiệp hội Du lịch cũng đề cập các tiêu chí an toàn đối với du khách như khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đầy đủ các liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch nội tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp lữ hành phải thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động. Những người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với du khách như hướng dẫn viên, lái xe, phụ xe... phải có trang thiết bị cần thiết. Về chương trình du lịch, các đơn vị du lịch phải quy định rõ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu du khách trở thành F0; ngoài bảo hiểm du lịch thông thường, còn phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
 
Chương trình đặt ra những tiêu chí an toàn xanh dành cho du khách, các đơn vị lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống...
Kế hoạch cũng chỉ rõ, đơn vị kinh doanh du lịch chỉ lựa chọn những điểm du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn khách bảo đảm tiêu chí an toàn; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn. Đối với các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp dịch vụ du lịch (vận chuyển, điểm đến, ăn uống), cũng phải thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ cho lực lượng lao động, nhân viên phục vụ; thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Trong đó, tại các điểm đến thuộc "vùng xanh", chỉ phục vụ số lượng khách không quá 30% công suất. Với các cơ sở lưu trú, bố trí phòng ngủ 2 người/phòng trở lên theo gia đình hoặc nhóm có cùng yếu tố dịch tễ. Trường hợp khách lẻ, không có cùng yếu tố dịch tễ thì bố trí phòng riêng. Với cơ sở kinh doanh ăn uống, ưu tiên phục vụ tại phòng. Nếu phục vụ tại nhà hàng thì phải có bàn ăn riêng cho từng nhóm khách; bảo đảm giữ khoảng cách giữa các nhóm khách, đoàn khách và tổ chức phục vụ ăn tại bàn…
Nhiều tour du lịch xanh đã sẵn sàng
Chủ động thích ứng, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm cách kết nối khôi phục chuỗi cung ứng để kịp thời đưa ra các sản phẩm du lịch an toàn theo tiêu chí xanh. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhận định, thời gian tới hoạt động du lịch không thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát cùng các điều kiện để hoạt động. Tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch như: lữ hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… đều phải tuân thủ các điều kiện, tiêu chí này. Các cơ quan quản lý tại địa phương sẽ cấp phép và giám sát để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Các doanh nghiệp và địa phương cho rằng, việc đẩy mạnh du lịch nội địa giữa các “vùng xanh” lúc này sẽ giúp doanh nghiệp “hồi sinh”, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch gần như đã kiệt quệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Nhiều sản phẩm du lịch an toàn đã được xây dựng, đợi tới thời điểm được phép tái hoạt động trở lại
Một số đơn vị như Hanoitourist, VietFoot Travel, Vietrantour, Asia Sun Travel… đã xây dựng một số sản phẩm du lịch an toàn để thí điểm đón khách. Phương án tổ chức những sản phẩm du lịch này đã được gửi tới các địa phương và mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện chạy thử một số tour vào tháng 10, 11 tới.
Trong đó, Hanoitourist giới thiệu 5 sản phẩm: tour caravan di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm - Làng cổ đất hai Vua (Hà Nội), Hoa Lư - Cố đô nghìn năm (Ninh Bình), Đông Tây Bắc - Tuyệt tác vùng cao và Sa Pa - Vừa quen vừa lạ; tour mùa thu đến Bình Liêu, Yoko Quang Hanh (Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La) hay Long Cốc và vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); du lịch MICE; dịch vụ homestay và dịch vụ khách sạn an toàn.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Giang cho biết, dự kiến sẽ đón khách nội địa đủ điều kiện vào tháng 10 này. Hiện địa phương đang đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch trong tỉnh rà soát, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn để sẵn sàng đón khách. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội và cả nước đưa khách tới Hà Giang. Tương tự, các địa phương muốn thu hút du khách thì cũng phải đặt ra các tiêu chí, mục tiêu cụ thể và quyết tâm làm.
Tại lễ công bố chương trình, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho rằng, sau một thời gian dài bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện "bình thường mới". Đồng thời cũng bày tỏ tin tưởng sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm hành động, sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch, các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sẽ được triển khai hiệu quả, đưa ngành du lịch từng bước vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
MAI AN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm