Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Sputnik |
Đài RT dẫn lời lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga: “Chúng tôi đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng không giống như câu chuyện ở Istanbul, chúng tôi sẽ không tạm dừng giao tranh trong suốt các cuộc hòa đàm. Quá trình này phải tiếp tục”.
Nga và Ukraine đã không đối thoại trực tiếp với nhau kể từ cuộc tiếp xúc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3/2022. Ban đầu Moscow bày tỏ sự hài lòng với kết quả cuộc thương lượng và rút lực lượng khỏi ngoại ô Kiev như một thiện chí, nhưng sau đó cáo buộc Kiev phá bỏ mọi tiến bộ. Moscow cũng khẳng định đã mất niềm tin vào các nhà đàm phán của Kiev.
Theo ông Lavrov, trở ngại lớn nhất cho tiến trình hòa bình là Tổng thống Ukraine “tự áp lệnh cấm đàm phán” với Nga. Năm 2022, ông Zelensky ký sắc lệnh cấm bất kỳ cuộc thương lượng nào với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh, thực tế trên thực địa đã thay đổi “đáng kể” kể từ thời điểm cuộc đàm phán ở Istanbul diễn ra và “cần lưu tâm đến những thực tế này”.
Kể từ cuối năm 2022, nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky đã quảng bá “công thức hòa bình” của ông, trong đó kêu gọi Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền và trả tiền bồi thường cùng chi phí hình thành tòa án tội ác chiến tranh. Ngoại trưởng Nga Lavrov một lần nữa thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này, ông gọi đây là “tối hậu thư” không cung cấp được giải pháp thay thế nào.
Liên quan tình hình chiến sự Nga- Ukraine, thông tin đáng lưu ý đó là Kiev tuyên bố bắn rơi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga từ khoảng cách hơn 300km ngày 18/4. Phía Moscow phủ nhận và cho máy bay gặp sự cố vì trục trặc kỹ thuật. Nga thường sử dụng máy bay ném bom để phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu Ukraine từ bên trong không phận của mình.
Trong ngày 19/4, ông Zelensky cho biết thêm nhiều tên lửa của Nga đã tấn công cảng Pivdennyi ở Biển Đen, thuộc khu vực phía nam Odessa, phá hủy các cơ sở lưu trữ ngũ cốc và thực phẩm tại đó. Không quân Ukraine đã bắn hạ 15 tên lửa, trong đó có hai tên lửa hành trình Kh-22 và 14 máy bay không người lái.
Cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thủ tục lưỡng đảng về gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, trong đó có hơn 60 tỉ USD cho Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong phiên họp trực tuyến giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: "Bên cạnh hệ thống Patriot (do Mỹ sản xuất), các nước thành viên cũng có thể cung cấp nhiều vũ khí khác như hệ thống SAMP/T của Pháp. Những nước không có sẵn vũ khí để viện trợ đã cam kết sẽ viện trợ tài chính để Ukraine mua những hệ thống trên".