Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Pleiku chú trọng xây dựng đời sống văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, cùng với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả này góp phần quan trọng để Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP. Pleiku, nhờ tích cực tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, phong trào có sức lan tỏa rộng rãi, được cộng đồng dân cư đồng thuận hưởng ứng. 
Làng Nha Prông (phường Thắng Lợi) có 96 hộ với 425 nhân khẩu. Dân làng chủ yếu làm nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người dân đã ý thức chủ động vươn lên, xây dựng buôn làng no ấm. Nếu năm 2010 làng còn 14 hộ nghèo thì đến nay không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Ông NgLưn-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Nha Prông-cho hay: “Hầu hết các hộ dân trong làng đều có nhà ở kiên cố, khang trang; 100% hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn; 50% số hộ có xe ô tô, công nông để phục vụ đi lại, sản xuất”.
Người dân làng Nha Prông luôn có ý thức vươn lên làm giàu, giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp, xây dựng gia đình hạnh phúc. 100% số hộ trong làng được công nhận là gia đình văn hóa. Làng được UBND TP. Pleiku công nhận danh hiệu “làng văn hóa” 3 năm liên tục (2017-2019).
Nhờ tích cực xây dựng phong trào, xã Chư Á cũng là đơn vị đạt nhiều thành tích trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Bà Nguyễn Thu Hương-Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”-chia sẻ: “Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã chiếm trên 80%. Vì vậy, cùng với việc vận động người dân phát triển kinh tế, xã còn chú trọng công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Khi xác định đúng phương châm hoạt động, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo động lực và sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện. Nhờ đó, cuối năm 2017, xã Chư Á được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.
Biểu diễn cồng chiêng tại Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Biểu diễn cồng chiêng tại Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Trong khi đó, tổ 3 (phường Hoa Lư) đạt hiệu quả cao với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh. Ông Hoàng Văn Long-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 3-bày tỏ: “Ban vận động phong trào thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội. Năm 2019, người dân đóng góp gần 100 triệu đồng để sơn sửa lại hội trường tổ dân phố và hỗ trợ người nghèo”.     
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, để tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban chỉ đạo phong trào tiếp tục đổi mới việc công nhận gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, gắn với xây dựng con người Pleiku có tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, văn minh, lịch thiệp trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cùng với đó là tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bài trừ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư.
“Thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào tại khu dân cư. Hướng dẫn Ban vận động ở khu dân cư quan tâm nâng cao chất lượng xét công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, tổ dân phố văn hóa” theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND, ngày 21-3-2019 của UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp rà soát, kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo phong trào các cấp và Ban vận động ở khu dân cư, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của cán bộ xã, phường”-ông Nguyễn Xuân Hà cho biết thêm.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm