(GLO)- Thời gian qua, chính quyền TP. Pleiku và các ban, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tiến tới đẩy lùi HIV/AIDS trong cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế TP. Pleiku, tính đến hết tháng 9-2017, tổng số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS lũy tích trên địa bàn là 296 trường hợp.
Trong đó, số bệnh nhân phát hiện nhiễm HIV/AIDS mới là 22 trường hợp, số bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 107 trường hợp.
Độ tuổi nhiễm HIV/AIDS là từ 20 đến 49. Hiện nay, Trung tâm Y tế TP. Pleiku đang quản lý 28 trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn. Có 268 trường hợp nhiễm HIV/AIDS đã mất dấu và tử vong.
Cán bộ y tế tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: Internet |
Thành phố Pleiku hiện đang dẫn đầu cả tỉnh về số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, chính quyền thành phố và các ban, ngành, đoàn thể đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV/AIDS.
Cụ thể, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố và các đơn vị tiếp tục chú trọng công tác truyền thông để người dân nắm rõ những tác hại của bệnh HIV/AIDS và có biện pháp tự phòng tránh cho gia đình, bản thân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế TP. Pleiku phối hợp với Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức giám sát hỗ trợ công tác phòng-chống HIV/AIDS tại 10 xã, phường, gồm: Thắng Lợi, Trà Bá, Ia Kring, Thống Nhất, Yên Thế, Chư Á, Hoa Lư, Tân Sơn và xã Gào; tổ chức xét nghiệm loại trừ HIV cho 418 lượt người nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm mới để hướng dẫn điều trị và có biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 đến 30-6-2017), Trung tâm Y tế TP. Pleiku đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng. Trung tâm đã triển khai xét nghiệm HIV cho 650 phụ nữ mang thai, trong đó có 50 mẫu xét nghiệm HIV trọng điểm; tổ chức 23 buổi truyền thông trực tiếp dự phòng về lây truyền HIV từ mẹ sang con cho hơn 1.000 lượt người; cấp phát hơn 1.300 tờ rơi, tranh gấp, treo 16 băng rôn tuyên truyền cách phòng-chống HIV/AIDS và phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình TP. Pleiku tổ chức tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS.
Mặc dù vậy, vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn về sự lây truyền của căn bệnh thế kỷ. Đáng lo ngại nhất là công tác quản lý người bệnh nhiễm HIV/AIDS bởi đa phần các bệnh nhân còn tâm lý e ngại, khi bị phát hiện nhiễm bệnh thường dùng địa chỉ giả hoặc bỏ đi nơi khác khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng.
Tính riêng địa bàn TP. Pleiku có 296 trường hợp nhiễm HIV/AIDS thì có tới 201 trường hợp bị mất dấu. “Chúng tôi gặp khó trong công tác quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, có nhiều bệnh nhân khai báo địa chỉ ở xã, phường đó nhưng đến tìm thì không thấy.
Thậm chí có những bệnh nhân khai đúng tên, số nhà, địa chỉ nhưng đến tìm thì lại là người khác, mà xét nghiệm lại thì người này hoàn toàn không bị nhiễm HIV/AIDS”-y sĩ Hồ Thái Sơn-cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, Khoa Kiểm soát Bệnh tật-HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) chia sẻ.
Theo bác sĩ Dương Đình Sơn-Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật-HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thì hiện chưa có thuốc đặc trị HIV/AIDS, do đó công tác phòng-chống HIV/AIDS chủ yếu tập trung vào hoạt động truyền thông để người dân tự phòng tránh. “Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng-chống HIV/AIDS thì chúng tôi cũng tiếp tục triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nhiễm HIV để họ được điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung nguồn lực cho các hoạt động hướng tới Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS”-bác sĩ Sơn nói.
Hoành Sơn