Cùng với Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng được xem là lá phổi xanh giữa lòng phố núi Pleiku. Với không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành, từ lâu, Công viên Diên Hồng trở thành điểm vui chơi, thư giãn và tập luyện thể dục thể thao của đông đảo người dân trong khu vực và du khách.
Để tiếp tục khai thác sử dụng công trình, đồng thời tôn tạo không gian kiến trúc, tăng vẻ mỹ quan đô thị, thành phố đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Công viên Diên Hồng. Cụ thể, khu vực hồ A gồm các hạng mục: sửa chữa gia cố bờ kè quanh hồ; thay mới lan can; đường dạo quanh hồ; nâng cấp mở rộng cổng chính, đường vào; xây dựng cầu dạo bộ; lát đá bazan một số vị trí; xây mới hàng rào; hệ thống điện trang trí dọc đường vào chính và các hạng mục phụ khác. Khu vực hồ B gồm cống dẫn nước thải và một số hạng mục khác.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, đơn vị thi công đã hoàn thành đổ bê tông hạng mục cải tạo lối đi phụ; đang tập kết cống tại hồ B để chuẩn bị thi công hạng mục cống dẫn nước thải; đồng thời, xả nước hồ A để chuẩn bị thi công bờ kè và móng cầu dạo bộ. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành trong quý IV-2024.
Công viên Diên Hồng sau khi được đầu tư cải tạo, nâng cấp sẽ góp phần tạo cảnh quan cho đô thị Pleiku cũng như thu hút du khách. Ảnh: Q.T |
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Những năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp và sửa chữa các đầu mối giao thông như: Bến xe Đức Long Gia Lai, Cảng Hàng không Pleiku, quốc lộ 14, 19; chú trọng đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông kết nối Pleiku đi các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và đi lại của người dân, kết nối các khu du lịch, các điểm du lịch với nhau.
Đồng thời, thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn nhằm đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều khách sạn, nhà hàng, homestay, farmstay… được đầu tư xây dựng hiện đại về quy mô và chất lượng… góp phần đưa hoạt động du lịch từng bước chuyên nghiệp và có tổ chức hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.
“Cùng với đó, TP. Pleiku chú trọng đầu tư nguồn lực để xây dựng các làng du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các làng dân tộc thiểu số. Cụ thể, thành phố đã xây dựng 1 khu vườn tượng gỗ gồm 54 tượng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Jrai và Bahnar, sửa chữa nhà rông làng Ốp (phường Hoa Lư); mở các lớp học nghề truyền thống như: tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ dân tộc, truyền dạy cồng chiêng; thành lập các đội cồng chiêng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phục vụ du khách khi có nhu cầu…
Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo và sửa chữa giọt nước ở các làng: Khưn (phường Trà Bá), Pleiku Roh (phường Yên Đỗ), Ia Nueng (xã Biển Hồ); đầu tư 5,9 tỷ đồng cải tạo Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Gào.
Qua đó, thành phố từng bước xây dựng và hình thành các tour du lịch cộng đồng để đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cho hay.
Giọt nước làng Pleiku Roh được đầu tư khá khang trang. Ảnh: Q.T |
Năm 2023, tổng lượt du khách đến TP. Pleiku đạt trên 825.000 lượt, tăng 37,8% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 6.750 lượt. Doanh thu đạt 637,5 tỷ đồng, tăng 42,2% so với năm 2022.
Giọt nước gắn liền với đời sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Jrai nói riêng. Do đó, sau khi được thành phố quan tâm đầu tư giọt nước khang trang, sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh, dân làng Pleiku Roh rất phấn khởi.
Ông Rơ Châm Ngúi vui vẻ nói: “Giọt nước của làng gắn liền với tuổi thơ của mình cũng như bao thế hệ người dân. Dù nhiều hộ dân đã có giếng nước riêng nhưng giọt nước vẫn là nơi sinh hoạt chính của bà con vào mỗi buổi chiều và sáng sớm. Bây giờ, giọt nước được đầu tư khá khang trang, dân làng mình hứa sẽ quản lý, sử dụng”.
Còn ông Võ Phan Duyệt-Chủ tịch UBND phường Yên Đỗ thì thông tin: Bên cạnh giọt nước làng Pleiku Roh đã được đầu tư, phường cũng xin chủ trương để đầu tư làm nhà rông văn hóa tại sân vận động của làng. Đồng thời, năm 2024, phường sẽ triển khai đầu tư bê tông hóa 5 tuyến giao thông nội làng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như phát triển du lịch. Cùng với đó, phường cũng đặc biệt chú trọng duy trì, phát huy hiệu quả đội cồng chiêng, các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm hay ẩm thực địa phương.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết thêm: Thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian mở trên tinh thần tôn vinh văn hóa, cảnh đẹp tự nhiên và không gian truyền thống ở các thôn, làng gắn với phát triển dịch vụ du lịch, giải trí và sinh hoạt cộng đồng.
Quy hoạch, triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư và phát triển hệ thống các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng thành chuỗi, tổ hợp chăm sóc sức khỏe-nghiên cứu khoa học ngành y dược; làng nghỉ dưỡng du lịch chăm sóc sức khỏe...