(GLO)- Dòng Pô Cô bắt nguồn từ chốn nào, đổ về đâu, còn có những tên gọi nào khác? Lần tìm câu trả lời là để thỏa trí tò mò về dòng sông đã cất giữ một phần lịch sử cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong một ngày tháng 7 nặng lòng tri ân, tôi tìm đến những người một thời gắn liền với dòng Pô Cô để nghe quá khứ dội về hào hùng từ đáy sông tĩnh lặng.
Hai cựu chiến binh già Rơ Lan Kai và Rơ Châm Klớt (đều ở làng Jrăng Krăi, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chở nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ, xuyên qua vườn điều trên con đường đất đỏ gập ghềnh rồi dừng lại bên bờ sông Pô Cô đoạn chảy qua làng Nú (xã Ia Khai). Cách chỗ đứng không xa là vị trí “Bến đò A Sanh”, nơi vừa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Người kể chuyện sông
Sông Pô Cô là tuyến vận tải đặc biệt nằm trên hành lang Bắc-Nam, đổ từ Kon Tum xuống Gia Lai sang đất bạn Campuchia trước khi hòa vào dòng Mê Kông. Nhiều thanh niên Jrai thông thuộc địa hình đã tham gia vào lực lượng vận tải đặc biệt này trong kháng chiến chống Mỹ.
Cựu chiến binh Rơ Châm Klớt kể: “Mình tham gia lực lượng này từ những năm 1963-1966, cùng một tổ thuyền với Puih San (Anh hùng A Sanh). Có thời điểm phải chèo 10 ngày đêm liên tục, đưa cả một sư đoàn qua sông. Mình với Puih San còn phải dạy cho bộ đội chèo thuyền độc mộc để phục vụ chiến trường”.
Đến năm 1967-1968, những người đầu tiên của lực lượng vận tải như già Klớt chuyển vị trí chiến đấu, nhiều thanh niên Jrai khác tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.
2 cựu chiến binh Rơ Châm Klớt (trái) và Rơ Lan Kai là những người lái đò trên dòng Pô Cô-một nhánh đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Minh Châu |
Theo ông Rơ Lan Kai, năm 1970, lực lượng vận tải không dùng thuyền độc mộc nữa vì đã có thuyền máy. Từ bên này sang bên kia sông Pô Cô, đoạn rộng nhất chừng 200 m. Nhưng do làm nhiệm vụ ban đêm là chính nên phải xác định chính xác hướng đi, nếu lệch là có nguy cơ rơi vào ổ phục kích của địch. Các bến đò cũng thường được gọi bằng tên riêng và thay đổi liên tục để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi thường treo trước mũi thuyền một chiếc đèn dầu, ở bến đò bên kia cũng có một chiếc như vậy. Dựa vào ánh sáng yếu ớt đó mà xác định chính xác vị trí cần đến. Có lần mình đưa một chuyến hàng khoảng 3 tấn lương thực, vũ khí qua sông nhưng máy nổ trục trặc. Chiếc thuyền cứ thế trôi tự do. Mọi người đều rất lo lắng vì sợ lộ bí mật. Rất may đó là tuyến đường sông nằm trên đất bạn Campuchia, địa hình tương đối bằng phẳng, không nhiều ghềnh thác như đoạn chảy qua đất Gia Lai. Thuyền trôi một lúc, mình loay hoay sửa thì máy nổ. Mừng quá, cứ thế mình cho thuyền chạy ngược sông tìm về bến đò trong đêm tối mịt mùng”-cựu chiến binh Rơ Lan Kai kể.
Câu chuyện của ông Rơ Lan Kai còn hé mở những chi tiết cảm động về tình hữu nghị với nước bạn Campuchia. Ông kể, địch phát hiện ra tuyến vận tải đường sông của ta nên tăng cường truy tìm dấu vết nhằm ngăn chặn đường tiếp tế.
“Chúng tôi chủ yếu hoạt động ở khu vực biên giới giáp với nước bạn. Người dân Campuchia ở khu vực này thường âm thầm giúp đỡ bằng cách dùng những ám hiệu riêng để báo cho ta biết tình hình có an toàn hay không. Đời sống người dân nước bạn khi ấy vô vàn khó khăn nhưng thỉnh thoảng họ vẫn giúp ta về lương thực, thực phẩm, dù nhỏ nhưng mang nặng ân tình”-ông Kai hồi tưởng.
Trên quê hương A Sanh
“Từ sau giải phóng đến nay, dù rất muốn nhưng mình chưa lần nào thực hiện được một chuyến chèo đò dọc sông về phía biên giới Campuchia”-ông Kai trầm ngâm khi đứng bên bờ sông Pô Cô. Cả ông và cựu chiến binh Rơ Châm Klớt đều có nhiều đóng góp cho cách mạng, mà thời kỳ vận tải trên sông chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ.
Sau khi lập nên những chiến công lừng lẫy trên sông Pô Cô, cả 2 cựu chiến binh đều được đơn vị cho ra Bắc học. Năm 1973, ông Klớt về lại đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện. Sau giải phóng, ông về địa phương tích cực hoạt động, trải qua nhiều vị trí công tác như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Ia Khai. Một thời gian ông là già làng Jrăng Krăi, phân xử nhiều vụ việc trong làng.
Còn ông Rơ Lan Kai nguyên là Chủ tịch UBND xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Krai (nay là xã Ia Khai). Hiện nay, ở tuổi gần 70, ông vẫn tích cực hoạt động, đảm nhận nhiều trọng trách ở làng. Cả 2 vẫn tràn đầy năng lượng, lòng nhiệt huyết như những chàng trai Jrai tuổi 20 thuở nào chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông.
Bình yên trên bến phà làng Nú, xã Ia Khai. Ảnh: Minh Châu |
Cựu chiến binh Rơ Lan Kai-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai: “Bến đò A Sanh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh có ý nghĩa rất lớn, ghi nhận sự đóng góp của Anh hùng A Sanh cùng đồng đội cũng như bà con nhân dân vùng này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người Jrai rất tự hào vì có A Sanh là Anh hùng dân tộc. Di tích Bến đò A Sanh sẽ giúp giáo dục truyền thống cách mạng trong thế hệ trẻ, để không ai quên mình là con cháu A Sanh”. |
Đứng bên dòng Pô Cô trong một trưa nắng, nhìn dòng nước tĩnh lặng, 2 cựu chiến binh già kể về những ngày sau giải phóng chèo thuyền độc mộc qua bên kia sông để chăm sóc ruộng rẫy trong niềm vui giản dị. Chừng đó thôi đã khiến họ thỏa nỗi khát khao được thong dong trên dòng sông hòa bình.
Cuộc sống giản dị mà yên hàn quá đỗi. Chỉ có đời người đến lúc nào đó buộc phải dừng lại, còn đời sông vẫn tiếp tục chảy mãi. Bể dâu biến đổi nhưng dòng Pô Cô mênh mang vẫn sẽ tiếp tục kể lại cho các thế hệ cháu con Jrai những chiến công mà cha ông họ đã lập nên, để mãi vang danh một dòng sông, một nhánh đường Trường Sơn huyền thoại. Và “Bến đò A Sanh”-di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt-cũng mãi mãi không già nơi biên cương Tổ quốc .
MINH CHÂU