Điểm đến Gia Lai

Pơ lang và nỗi nhớ thầm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Một trong những bài hát về Tây Nguyên được nhiều người yêu thích là bài “Em là hoa pơ lang” của nhạc sĩ Đức Minh, từng được thể hiện qua các giọng ca vàng như: Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung… Và bây giờ, hẳn ai cũng rung động khi nghe những ca từ mượt mà, da diết cất lên: “…Quê hương ơi/Tây Nguyên ơi/Anh ơi em sẽ là pơ lang hoa đẹp nhất/thứ hoa buôn làng quý/Cho anh thêm đẹp lòng/hăng say giết giặc thù/lập nên bao chiến công/Tây Nguyên này bao nhiêu cô gái/đều là hoa pơ lang”.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Là người sống ở Tây Nguyên, đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Từ bao giờ hoa pơ lang đã được ví như vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên? Có những truyền thuyết nào về hoa pơ lang mà đến nay chúng ta còn chưa được tiếp cận? Vì sao cây pơ lang luôn được các dân tộc bản địa Bahnar và Jrai trồng ở đầu làng? Cho đến nay, người ta mới chỉ biết đến sự tích cây Pơ lang trong chuyện cổ dân gian của đồng bào Tây Nguyên. Đó là câu chuyện tình yêu của một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết nhưng không lấy được nhau. Chuyện rằng, năm ấy, vì thiên tai, lụt lội thất thường, chàng trai bèn đi hỏi ông trời và bị trời biến thành thần mưa. Thương nhớ người yêu ở hạ giới, nước mắt chàng cứ tuôn thành mưa. Trong khi đó, cô gái vẫn thủy chung chờ đợi người yêu. Biết chuyện, Trời hết sức cảm động trước mối tình si này nên đã đồng ý với ước nguyện của cô gái: biến cây nêu của làng thành cây pơ lang, biến chiếc khăn đỏ mà chàng trai tặng cô gái trước khi lên đường thành bông hoa màu đỏ 5 cánh, để họ có cơ hội nhìn thấy nhau mỗi mùa pơ lang nở…
Còn tôi, trong khi đi tìm hiểu về loài cây pơ lang (mà quê tôi thường gọi là cây gạo) đã được ông Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn)-cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-kể về ý nghĩa loài cây này khi được trồng ở làng. Ông là người dân tộc Jrai, sinh ra ở vùng đất Chư Mố (nay thuộc huyện  Ia Pa, Gia Lai). Theo lời kể của ông, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nếu vì một lý do nào đó phải dời làng đến nơi ở mới thì các già làng và thầy cúng sẽ được cử đi chọn vùng đất mới, sau đó các trai làng khỏe mạnh, chưa vợ có nhiệm vụ vào núi tìm cây pơ lang trong rừng, dáng cây phải thẳng và khỏe khoắn. Cây được mang về trồng ở vị trí gần đầu con suối, nơi có thể làm giọt nước. Nếu cây sống và phát triển nghĩa là “thần linh đã đồng ý” cho lập làng để ở. Nếu cây chẳng may bị chết thì đó cũng là ý của thần linh, rằng đất ấy không lành, phải chọn nơi khác lập làng. Cứ thế truyền từ đời này qua đời khác, cây pơ lang trở thành cây linh thiêng của làng.
Còn nhớ, gần 20 năm trước, có lần tôi đến xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) và gặp một cây pơ lang rất to và đẹp. Khi ấy, có người đến hỏi mua và muốn chặt hạ cây pơ lang của làng xẻ ván. Sau khi nghe già làng khẳng định chắc nịch rằng ai bán, ai mua đều bị làng phạt vạ bằng heo, gà và trâu trắng thì người hỏi mua bèn bỏ đi mất. Hỏi thì già làng giải thích: Đó là cây thiêng rồi!
Bây giờ, đi về các làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hình như ít gặp pơ lang. Phần vì làng mới định cư, định canh, tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” mất dần; phần vì không còn du cư thì cũng không còn tục trồng pơ lang. Giờ, mỗi lần nghe lại bài hát trên loa công cộng, tôi lại mường tượng ra cảnh trẻ nhỏ trong làng sẽ hỏi người lớn hoa pơ lang là hoa gì? Có lẽ, với nhiều người, pơ lang chỉ còn trong nỗi nhớ thầm.
 Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm