Xã hội

Pờ Tó cần lắm một cây cầu!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 360 hộ dân tại 2 làng Bi Giông và Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) bị chia cắt mỗi khi mưa lớn, bởi ngầm tràn qua suối Pa Ya trên con đường độc đạo ngập sâu trong nước. Người dân địa phương đang cần lắm một cây cầu giúp việc lưu thông được thuận lợi.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp-chia sẻ: “Mỗi khi mưa lớn ngập đường, giáo viên và học sinh đi lại rất khó khăn. Khi mưa to, nước lũ làm ngập ngầm tràn, nhà trường buộc phải cho học sinh nghỉ học rồi bố trí học bù sau đó. Hy vọng, khu vực ngầm tràn nói riêng và con đường từ trung tâm xã vào 2 làng Bi Giông và Bi Gia sẽ được quan tâm đầu tư nâng cấp để người dân đi lại thuận lợi”.

 Ngầm tràn ngập sâu khiến 2 làng Bi Giông và Bi Gia bị cô lập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ngầm tràn ngập sâu khiến 2 làng Bi Giông và Bi Gia bị cô lập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Lê Văn Ngọc


Ông Đinh Ne-Trưởng thôn Bi Gia-than thở: “Mấy năm nay, cứ mưa lớn là chúng tôi không đi lại được. Khu vực này cũng thường xuyên bị ngập khiến nhiều nương rẫy bị hư hại nặng. 2 thôn có đông dân cư sinh sống, chưa kể người ở các thôn khác vào canh tác nông nghiệp nên lưu lượng người qua lại con đường này khá lớn. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Công trình ngầm tràn qua suối Pa Ya được xây dựng khoảng 10 năm trước. Khi người dân mở rộng canh tác 2 bên bờ suối cùng với việc biến động dòng chảy nên cát từ đầu nguồn đổ về hạ lưu, tập kết một lượng lớn tại ngầm tràn. Dòng suối sâu bị cát bồi lấp, nước không thoát kịp nên dễ gây ngập lụt khi mưa lớn. Cống nước bên dưới đập tràn cũng bị cát vùi nên không phát huy tác dụng. Ông Đặng Xuân Cường-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay: Từ năm 2020 đến nay, khi trong khu vực xuất hiện mưa lớn, nước từ nhiều nguồn đổ dồn về dòng suối Pa Ya rồi chảy qua khu vực ngầm tràn nói trên. Khi đến đây, vì lòng suối bị bó hẹp, nước lũ không kịp rút nên đã gây ngập lụt cục bộ trên tuyến đường dài khoảng 50 m. Có thời điểm nước ngập sâu 1,5 m khiến người và phương tiện không thể lưu thông, 2 làng bị cô lập.

“Mỗi khi xảy ra mưa lớn, UBND xã cử lực lượng chốt chặn 2 đầu ngầm tràn để cảnh báo người dân không qua lại. Xã cũng huy động lực lượng khơi thông dòng chảy tạm thời nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này có lẽ phải xây dựng cầu để người dân trong vùng thuận lợi trong sinh hoạt, lao động sản xuất”-ông Cường nhấn mạnh.

 

LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm