Sống trẻ - Sống đẹp

Gương sáng giữa đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều tấm gương xả thân cứu người trong lúc hoạn nạn đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân. Những hành động quả cảm của họ đã góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng làm việc tốt cho cộng đồng.

Vượt quãng đường hơn 30 km từ TP. Pleiku về huyện Chư Sê, chúng tôi tìm về làng Pan (xã Dun) gặp em Siu Sam Ban (12 tuổi, học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du). Trước đó, Siu Sam Ban đã dũng cảm lao xuống suối cứu sống 2 em nhỏ bị đuối nước. Trò chuyện với chúng tôi, ông Siu Kao (bố của Siu Sam Ban) chia sẻ: Gia đình ông có 3 người con, Siu Sam Ban là con đầu. Gia đình thuộc diện cận nghèo nên vợ chồng ông phải làm thuê và đánh bắt cá trên sông suối để trang trải cuộc sống. Tuy cuộc sống gia đình nghèo khó nhưng Siu Sam Ban luôn chăm ngoan, hiếu thảo. Quanh làng có nhiều sông suối nên Ban bơi lội rất giỏi.

Em Siu Sam Ban (bìa trái) đã dũng cảm cứu 2 em nhỏ bị đuối nước. Ảnh: R.H

Em Siu Sam Ban (bìa trái) đã dũng cảm cứu 2 em nhỏ bị đuối nước. Ảnh: R.H

Cũng chính khả năng bơi lội ấy đã giúp Ban cứu 2 em nhỏ thoát chết. Ban kể: Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 20-5-2023, khi đang trèo hái quả chôm chôm rừng tại khu vực suối Ia Pết, em phát hiện nhóm 5 em nhỏ đang chơi đùa gần suối. Một lúc sau, em nghe tiếng kêu cứu của trẻ em từ dưới dòng suối. Chạy đến gần kiểm tra thì em bàng hoàng phát hiện 2 em Siu Si Ôn (6 tuổi, trú tại làng Pan) và em Kpuih Nhăn (9 tuổi, trú tại làng Nút Riêng, xã Al Bá, huyện Chư Sê) đang chới với dưới dòng nước sâu. Không chần chừ, em lập tức nhảy xuống suối lần lượt túm kéo từng em nhỏ lên bờ an toàn. “Suối rộng khoảng 6 m, sâu 2 m và có nhiều tảng đá nhấp nhô. Trong lúc nhảy xuống bơi qua dòng nước cứu người, đầu em va phải hòn đá. Rất may chỉ bị xây xước nhẹ nên em gắng sức bơi tới dìu được 2 em nhỏ lên bờ”-Ban kể lại.

Ông Siu Kinh (bố của Kpuih Nhăn) cho biết: Làng Nút Riêng và làng Pan cách nhau bởi con suối Ia Pết. Đây cũng là khu vực bà con 2 làng thường đến tắm rửa, giặt giũ. Hôm xảy ra vụ việc, vợ chồng ông đi gặt lúa nên để Nhăn ở nhà với ông bà. “Sau khi nghe dân làng kể lại câu chuyện, mình rất xúc động. Cảm ơn cháu Ban rất nhiều”-ông Kinh bày tỏ. Còn ông Siu A Lêch (bố của Siu Si Ôn) thì bộc bạch: “Đây là bài học cảnh tỉnh cho mình và các bậc cha mẹ phải giáo dục và quản lý chặt chẽ con em. Sắp tới, mình không để các cháu nhỏ chơi gần những nơi sông nước nguy hiểm nữa”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nay Winh-Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê khẳng định: “Hành động của em Siu Sam Ban rất dũng cảm, đáng được tuyên dương. Đây là tấm gương sáng cho đội viên, đoàn viên, thanh niên noi theo”.

Cách đây không lâu, Thiếu tá Bùi Tấn Trình-Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê cũng đã thực hiện hành động nghĩa hiệp tương tự. Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29-5-2023, do bất cẩn trong việc trông coi, chị Nguyễn Thị Thu Trang (tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã để con của mình là cháu N.B.D. bị trượt chân ngã xuống hồ ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê). Thời điểm đó, Thiếu tá Trình đi ngang qua và phát hiện được sự việc. Ngay sau đó, Thiếu tá Trình đã không quản ngại nguy hiểm lao xuống hồ vớt cháu D. lên bờ an toàn.

Chị Trang bày tỏ: “Trước hành động của Thiếu tá Trình, gia đình rất xúc động và cảm kích. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Chỉ huy Quân sự thị xã rèn luyện người sĩ quan cách mạng rất chuẩn mực, giàu lòng nhân ái, quả cảm, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng người dân”.

Có thể bạn quan tâm