(GLO)- Xã Đak Krong (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là 1 trong 5 địa điểm ở Tây Nguyên được Viện Quy hoạch và Phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chọn thực hiện dự án thí điểm phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Đây là hướng sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Dự án thí điểm phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan là sáng kiến nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện các vấn đề tồn tại trong phương pháp canh tác cà phê hiện nay ở nhiều địa phương. Xã Đak Krong là địa phương duy nhất trong tỉnh được lựa chọn tham gia dự án.
Dự án đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng mới 98 ha cà phê trên đất trồng các loại cây lâu năm; tái canh 348 ha cà phê già cỗi bằng các giống mới, chất lượng cao. Đồng thời, triển khai mô hình cảnh quan cà phê kết hợp cây ăn quả, du lịch sinh thái, cây công nghiệp lâu năm và cây dược liệu, nuôi thủy sản, kết hợp công nghiệp chế biến và phát triển ngành nghề nông thôn, vườn rừng…
Ông Vũ Đăng Tuấn-Chủ tịch UBND xã Đak Krong-cho biết: “Đak Krong là vùng chuyên canh cà phê lâu năm của huyện Đak Đoa. Hiện diện tích cà phê của xã chiếm 5,41% toàn huyện, trong đó có hơn 670 ha cà phê lâu năm, 148 ha già cỗi (hơn 20 năm). Xã cũng đang thực hiện chương trình tái canh cà phê, dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững, đề án phát triển cà phê bền vững. Bà con nông dân lâu nay cũng trồng xen canh cây ăn quả, cây chắn gió và các cây tầng thấp trong vườn cà phê, vừa tạo thu nhập ổn định vừa đảm bảo sinh thái và dinh dưỡng trong đất. Chúng tôi lựa chọn làng Đak Mông để trực tiếp triển khai thực hiện dự án này”.
|
Dự án cà phê cảnh quan sẽ giúp người dân canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Phương Vi |
8 tiêu chí lựa chọn địa điểm triển khai dự án gồm: Vùng dự án có tỷ lệ diện tích đang trồng cà phê chiếm trên 30% so với quỹ đất sản xuất nông nghiệp, phải là vùng có truyền thống trồng cà phê (vườn cây ít nhất hơn 10 năm tuổi, tỷ lệ già cỗi hơn 30%). Vùng dự án phải đang thực hiện ít nhất 1 chương trình, dự án, đề án hoặc chủ trương phát triển cà phê. Đặc biệt, vùng dự án phải hoàn thành hoặc đạt hơn 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có sự giao thoa giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh để có thể nhân rộng mô hình. Cùng với đó, địa điểm được chọn phải có tiềm năng phát triển du lịch để cây cà phê vừa là sản phẩm vừa là hậu cần cho ngành du lịch. |
Dọc con đường dẫn đến làng Đak Mông là hàng muồng chắn gió cao lớn. Dưới tán muồng là bơ, sầu riêng, cà phê xanh mướt đang vào vụ thu hoạch. Hồ Đak Krong quanh năm ắp đầy, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong đang thả 6 lồng nuôi cá các loại. Khung cảnh thiên nhiên trù phú, thanh bình của nơi này thực sự là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án.
Ông Biek-Trưởng thôn Đak Mông-bày tỏ: “Làng có hơn 220 hộ, 100% là người Bahnar. Lâu nay, bà con gắn bó với cây cà phê, lúa, mì. Những năm gần đây, bà con học theo người Kinh trồng thêm cây ăn quả trong vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập. Nhiều gia đình đã hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia dự án này”.
Không chỉ hội tụ các điều kiện thuận lợi, Đak Mông còn là ngôi làng dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, có giá trị cho phát triển du lịch.
Dù vậy, khó khăn vẫn còn, nhất là hạ tầng giao thông khi triển khai thực hiện dự án. Con đường dài hơn 2 km dẫn xuống hồ Đak Krong qua khu sản xuất là đường đất gồ ghề, nhiều đoạn dốc đứng, gây khó khăn cho người dân đi lại cũng như khách tham quan.
Chủ tịch UBND xã Đak Krong bày tỏ: “Vào mùa mưa, việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Chúng tôi mong con đường này sớm được đầu tư cũng như hoàn thiện các điều kiện để dự án thí điểm cà phê cảnh quan triển khai thêm thuận lợi”.
PHƯƠNG VI