(GLO)- Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, giai đoạn 2017-2019, doanh thu ăn uống chiếm 33% trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch. Điều này cho thấy nhu cầu ẩm thực của du khách cao hơn việc chi tiêu cho dịch vụ lưu trú (chỉ đạt 26%). Để phát huy lợi thế ẩm thực, tỉnh cần có những giải pháp phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách, đồng thời khuyến khích hệ thống nhà hàng, khách sạn và người dân cùng tham gia.
Những năm gần đây, việc khai thác xu hướng trải nghiệm văn hóa, trong đó có trải nghiệm ẩm thực là hướng phát triển du lịch bền vững cho những địa phương không có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên hay di tích, di sản. Ở một số quốc gia, nơi lưu giữ, phát triển những món ăn, thức uống từ truyền thống đến hiện đại cũng tích cực thay đổi chính sách kích cầu, quảng bá nhằm thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch, trong đó có trải nghiệm ẩm thực. Thậm chí, có những quốc gia đã gắn liền món ngon, vật lạ hoặc đưa lên thành các món ăn tiêu biểu, điểm tham quan trong chương trình du lịch của mình. Đơn cử như Thái Lan với các món gỏi đu đủ (som tam) hay xôi xoài; Hàn Quốc với món kim chi, mì Udong và các chương trình hướng dẫn du khách cách chế biến kim chi; Nhật Bản có sushi, sashimi hay mì Ramen... đã trở thành một trong những động cơ thôi thúc du khách khi đến các quốc gia này là phải thưởng thức ngay các món ăn vừa dân dã, vừa rất đường phố.
Phở khô Gia Lai. Ảnh: C.T.V |
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2017-2019, doanh thu ăn uống chiếm 33% trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch. Điều này cho thấy cầu ẩm thực của du khách là rất thiết yếu trong chuyến đi, cao hơn việc chi tiêu cho dịch vụ lưu trú (chỉ đạt 26%). Tỷ lệ này tương đồng với một số quốc gia có du lịch phát triển trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ. Trong khi đó, Gia Lai có nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho ẩm thực cực kỳ phong phú và được thực khách đánh giá cao, đặc biệt là những món ngon được chế biến từ đặc sản của sông Sê San như: cá lăng, cá anh vũ, cá chình hay heo sọc dưa 7 món, gà đi bộ lên mâm, bò một nắng-muối kiến vàng, phở khô Gia Lai… Bên cạnh đó, du khách còn hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng thưởng thức cơm lam, gà nướng, uống rượu cần. Tuy nhiên, ẩm thực của Gia Lai chỉ mới dừng lại là một phần dịch vụ trong chuyến đi của du khách mà chưa hình thành sản phẩm du lịch ẩm thực.
Để ẩm thực Gia Lai trở thành sản phẩm du lịch, trước tiên cần hình thành khu phố ẩm thực đặc trưng để phục vụ người dân và du khách. Xây dựng thực đơn tiêu biểu phổ biến đến hệ thống nhà hàng, khách sạn; xây dựng và tổ chức theo mô hình lớp học nấu ăn hay trình diễn nấu ăn để du khách vừa được xem, trải nghiệm, chứ không đơn giản là ngồi thưởng thức món ăn. Kết hợp loại hình du lịch cộng đồng, khai thác trải nghiệm văn hóa cồng chiêng với trải nghiệm ẩm thực truyền thống thông qua các hoạt động trực tiếp trong việc chế biến món ăn và cùng sinh hoạt với cộng đồng. Tổ chức các lễ hội ẩm thực trong đó có nhiều hoạt động phong phú như: hội thi, chương trình trải nghiệm, giới thiệu món ngon… Có chiến lược quảng bá, liên kết vùng, phát triển du lịch trải nghiệm ẩm thực giữa các địa phương và các dân tộc; quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng về trải nghiệm ẩm thực.
Việc nghiên cứu, phát triển đúng hướng, đúng nhu cầu và đúng đối tượng của du lịch trải nghiệm ẩm thực sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch nói chung và cho địa phương nói riêng.
PHAN NGỌC DIỆP