Xã hội

Gặp nhân chứng cuối cùng trong vụ thảm sát Tân Lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Vụ giặc Pháp giết hại dân làng Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) tháng 3-1947 đã đi vào lịch sử tỉnh Gia Lai như một nốt trầm buồn. Từ năm 2017, địa điểm này đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh.

Mới đây, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Thiện (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku), nhân chứng cuối cùng trong vụ thảm sát Tân Lập.

Bà Nguyễn Thị Thiện là nhân chứng cuối cùng của vụ thảm sát Tân Lập. Ảnh: N.Q.T

Bà Nguyễn Thị Thiện là nhân chứng cuối cùng của vụ thảm sát Tân Lập. Ảnh: N.Q.T

Ở tuổi 92 nhưng bà Thiện vẫn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Bà Thiện đón chúng tôi bằng nụ cười rồi chuyện trò gần gũi như đã từng thân quen. Nhờ vậy, chúng tôi may mắn có được những thông tin quý, chưa từng biết đến.

Bà Thiện kể: Gia đình ông bà nội của bà (ông Phát, bà Liền) có 10 người con (Nguyễn Văn Trác, Nguyễn Thị Hạng, Nguyễn Văn Sức, Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Văn Phu, Nguyễn Thị Huệ, 2 người nữ mất khi còn nhỏ và Nguyễn Văn Xử).

Ngày đó, Tân Lập đất đai màu mỡ, tha hồ khai phá nên nhà nào càng đông con thì sức lao động càng dồi dào, nếu chịu khó và biết làm ăn thì dư thừa là chuyện bình thường.

Từ Bình Định lên nơi này khá sớm, ông Phát, bà Liền cùng các con chặt cây mở đất năm sau nhiều hơn năm trước. Nhà ông bà lúc nào cũng có mấy chục con trâu bò. Bà Thiện khi đó đã 15-16 tuổi, vẫn còn nhớ nhiều buổi sáng, gia đình ông bà nội cùng mắc ách cho 7-8 con trâu bò cày bừa 1 lượt.

Cho đến một buổi sáng tháng 3-1947, làng Tân Lập bị dựng dậy bởi hàng loạt đạn pháo từ đồn Pháp bắn xuống. Cây cối gãy, nhà cửa sập, người và gia súc trúng đạn lăn ra chết hoặc bị thương rất nhiều. Trong khi mọi người đang hoảng sợ, giặc đã bủa vây khắp làng.

Cách đây 20 năm, theo tài liệu mà ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê dày công tìm kiếm, đối chiếu, tạo lập và sau này trở thành một phần quan trọng trong hồ sơ di tích lịch sử cấp tỉnh, làng Tân Lập khi ấy có 74 hộ với 315 người bị giặc giết. Cùng với 3 người của làng đi dân công và hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy, tài liệu chính thức còn ghi nhận: 50 người từ vùng Đak Đoa ngày nay và nơi khác tản cư đến cũng đã ngã xuống trước họng súng địch. Do vậy, tổng số người bị tàn sát ở Tân Lập trong ngày hôm ấy là 368.

Theo bà Thiện, hôm đó, cùng đi với các binh sĩ Pháp còn có cả những người lính Thượng. Chúng đến từng nhà và tàn sát không nương tay. Khắp làng vang tiếng súng cùng tiếng khóc than. Gia đình ông Phát (ông Phát mất trước năm 1947) có 3 người con trai bị giặc bắn chết tại chỗ.

Bà Thiện vẫn nhớ như in về từng cái chết ấy: cha bà-ông Nguyễn Văn Trác (không phải Trát như có tài liệu đã viết; vợ ông Trác là bà Nguyễn Thị Tính mất trước năm 1947), làm liên lạc cho cách mạng, sau trở thành liệt sĩ bị giặc bắn ngay khi giặc mới giáp mặt. Tiếp đó là 2 người chú ruột: ông Nguyễn Văn Sức (không phải Sứt) và ông Nguyễn Văn Xử.

Bà Thiện hồi tưởng: “Chú Sức bị bắn chết tại nhà. Còn chú Xử thì bị chúng trói giật cánh khuỷu rồi đưa ra bờ sông cùng chú Sáu Khu (con ông Hương bộ Khứu). Tại đây, chú Sáu Khu bị chúng dùng lưỡi lê đâm cho đến chết còn chú Xử thì bị bắn”.

Khi thấy các con trai bị bắn, bà Liền đã cầm tay đứa cháu gái của mình chạy trốn theo lối sau nhà. Ra đến ruộng, 2 bà cháu lật đật nằm xuống luống cày rồi lấy tay bới đất phủ lên người. Khi giặc rút đi, 2 bà cháu chứng kiến thêm nhiều cảnh tang thương khác nữa. Gia đình ông Năm Diễn (em thúc bá với ông Phác) có 5 người thiệt mạng; vợ ông Diễn đang mang thai cũng bị bắn chết. Một người con của ông Diễn thấy giặc liền chui hàng rào trốn nhưng cũng bị trúng đạn chết. Gia đình ông Bốn Nhạc (em ông nội bà Thiện) có 7 người bị giết.

Theo bà Thiện, sau trận càn của giặc, những người may mắn sống sót nhờ đi chăn trâu bò hay đi làm ngoài ruộng, trên rẫy… ở làng Tân Lập không nhiều.

Chúng tôi đọc lại tài liệu điều tra của nhà báo Phan Duy Tiên thì được biết, khi ấy, gần như cả làng Tân Lập bị giặc giết. Việc chôn cất người đã mất trở thành nhiệm vụ nặng nề đối với một vài người có lòng, nhưng phải xin và phải chờ rất lâu sau đó mới được đồn Pháp cho phép.

Các nhân chứng như các ông: Hồ Thọ (SN 1918, đã mất), Nguyễn Ngấn (SN 1927, đã mất) đã dành hàng tháng trời để hoàn thành tâm nguyện của mình. Như chính các ông sau này kể lại: Dù 2 người ráng sức đến đổ bệnh nhưng mồ mả vẫn hết sức sơ sài, thậm chí nhiều chỗ không thể chu toàn.

Vì sao làng Tân Lập bị tàn sát? Vấn đề đã được làm rõ từ 20 năm trước: Giặc Pháp tìm thấy bằng chứng cho rằng cộng đồng này đã nuôi giấu, giúp đỡ bộ đội Việt Minh đánh đồn Tú Thủy của chúng.

Bằng Tổ quốc ghi công của ông Nguyễn Văn Trác, thân sinh bà Thiện. Ảnh: N.Q.T

Bằng Tổ quốc ghi công của ông Nguyễn Văn Trác, thân sinh bà Thiện. Ảnh: N.Q.T

Sau khi làng Tân Lập bị xóa sổ hoàn toàn, số người còn sống sót ly tán nhiều nơi hoặc bị địch dồn xúc vào những khu vực nhất định gần thị xã An Khê ngày nay. Khoảng tháng 3-1947, bà Thiện theo chân bạn bè xuống Bình Định rồi trở thành người hoạt động trong tổ chức Việt Minh.

Sau đó, trong chuyến công tác bí mật, bà bị địch bắt giam tại Nhà lao Pleiku. Tại đây, bà và ông Nguyễn Bình (SN 1921, không phải tên Đình như có tài liệu đã viết) bị bắt trước vài năm nảy sinh tình cảm. Khoảng năm 1950, ông bà ra tù rồi trở thành vợ chồng, sống tại Pleiku.

Mất liên lạc với tổ chức, bà Thiện lấy việc buôn bán nhỏ làm sinh kế, trong khi ông Bình bị chế độ đương thời trước 1954 bắt đi lính. Tuy nhiên, có thể vì từng “dính dáng” đến Việt Minh nên chỉ sau 2 năm, ông Bình được giải ngũ. Ông bà làm nhiều nghề để sống và có với nhau 10 người con. Năm 1971, ông Bình qua đời.

Bây giờ, khi tất cả mọi chuyện đã đi qua, mỗi khi nghĩ đến Tân Lập, ngoài ký ức đau thương về trận tàn sát dân làng năm xưa, bà Thiện còn như được sống lại một thời thơ ấu đông vui, sung túc của đại gia đình. Ở đó, tên khai sinh của bà là Nguyễn Thị Lách. Khi tham gia hoạt động bí mật, tổ chức đã đặt thêm cho bà những tên khác, là Xuân (không phải Xuôi như có tài liệu đã viết), là Thiện. Tân Lập là một phần cuộc đời của bà, nhân chứng sống cuối cùng của vụ thảm sát cách nay gần 80 năm.

Khi chúng tôi viết những dòng này, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có văn bản đồng ý để địa điểm từng xảy ra vụ thảm sát Tân Lập năm 1947 được nâng cấp lên thành di tích cấp quốc gia.

Có thể bạn quan tâm