Xã hội

Hỗ trợ phụ nữ Gia Lai tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 27-9, tai TP. Pleiku, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo giới thiệu và kết nối hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.
Quang cảnh hội thảo giới thiệu và kết nối hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: MINH CHÂU

Quang cảnh hội thảo giới thiệu và kết nối hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: MINH CHÂU

Bà Dương Thị Ngọc Linh-Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, một số doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ của tỉnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử và xu hướng tiêu thụ sản phẩm trên sàn này; kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ngoài ra, các đại biểu tọa đàm xung quanh vấn đề “Từ nhà xưởng đến sàn thương mại điện tử và đến người tiêu dùng-Làm sao cho thông?”.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Cẩm Vân-giảng viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại tỉnh Gia Lai giới thiệu về sàn thương mại điện tử. Ảnh: MINH CHÂU

Tiến sỹ Nguyễn Thị Cẩm Vân-giảng viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại tỉnh Gia Lai giới thiệu về sàn thương mại điện tử. Ảnh: MINH CHÂU

Phát biểu tại hội thảo, Bà Dương Thị Ngọc Linh cho biết: UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 598/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 đạt 7%, năm 2023 đạt 7,5%.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 139 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến, 20% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có giao dịch thương mại điện tử, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website thương mại bán hàng; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động…Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Hội thảo này sẽ góp phần giải quyết được một phần những khó khăn mà công tác chuyển đổi số đặt ra, đồng thời tạo ra những hướng đi mới trong tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, đáp ứng xu thế của thời đại mới, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm