Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong như: Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Tổng hành dinh kháng chiến miền Nam. Ảnh T.L |
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong một gia đình trung lưu. Năm 11 tuổi, ông được gia đình gửi sang Pháp học. Năm 1932, ông tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận bằng Cử nhân luật. Tháng 5-1933, ông rời thành phố Marseille trở lại Sài Gòn.
Về thị xã Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) sống cùng cha mẹ, năm 1939, ông tham gia kỳ thi sát hạch của Luật sư Đoàn để trở thành luật sư thực thụ, hành nghề độc lập, nổi tiếng khắp Nam Kỳ với tài năng và sự chính trực bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế...
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông tham gia kháng chiến với vai trò của người trí thức hành nghề luật. Giữa năm 1946, chính quyền thực dân bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, nhưng ông vẫn bí mật liên lạc với kháng chiến. Cuối năm 1946, luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức trở thành người của kháng chiến hoạt động trong lòng địch.
Quang cảnh Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Nhật chụp từ ảnh tư liệu |
Đầu năm 1947, ông từ bỏ chức Chánh án Tòa án Vĩnh Long của địch, đưa gia đình lên Sài Gòn mở Văn phòng luật sư riêng. Ông được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận của Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, cùng những nhà trí thức lớn của thành phố đưa ra bản Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lập lại hòa bình trên cơ sở độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.
Ngày 16-10-1949, tại Sài Gòn, ông được tổ chức bí mật kết nạp vào Đảng. Đây cũng là thời điểm phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phản đối chính phủ bù nhìn của Bảo Đại diễn ra sôi nổi; trí thức và học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp dã man, học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 9-1-1950. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chủ trì lễ truy điệu Trần Văn Ơn và kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống chính quyền thực dân, chống đàn áp.
Tháng 3-1950, ông vận động các luật sư tiến bộ đứng ra biện hộ cho 22 trí thức của Ban Chấp hành Mặt trận Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn, đòi tòa án thực dân xử trắng án cho những trí thức yêu nước. Khi tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn công khai ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vận động Nhân dân mít tinh với hàng chục vạn người tham gia phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ .
Địch sau đó đã đóng cửa văn phòng luật sư của ông và giải tán Phái đoàn đại biểu các giới do ông đứng đầu, bắt giam ông nhưng không dám đưa ra xét xử công khai mà bí mật đưa ông đi lưu đày ở Tây Bắc.
Trước sự đấu tranh quyết liệt ở đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn, tháng 10-1952, địch buộc phải trả tự do cho ông. Từ đây cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai ở Sài Gòn-Chợ Lớn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Tại Sài Gòn-Chợ Lớn, ngày 1-8-1954, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng giới trí thức thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình, tổ chức cuộc diễu hành với khoảng 50.000 người tham gia mừng hòa bình, ủng hộ Hiệp định Genève. Ngày 7-11-1954, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng 26 vị nhân sĩ, trí thức bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ. Tháng 2-1955, chính quyền Diệm cho máy bay chở luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng 26 vị trong Phong trào ra giam giữ ở vùng Pháp tạm chiếm Hải Phòng. Sau 77 ngày, luật sư và nhiều người khác trong phong trào tiếp tục bị đưa đi quản thúc ở xã Hòa Thịnh (Tuy Hòa, Phú Yên) và bị giam giữ ở đây tới 6 năm rưỡi.
Sau khi được giải thoát vào ngày 30-10-1961, luật sư về căn cứ Kà Tum (Tây Ninh) và tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch. Từ đây cho đến khi thống nhất đất nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam liên tục trong 15 năm.
Cuối năm 1967, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam triệu tập Đại hội bất thường thông qua Cương lĩnh mới của Mặt trận. Tháng 6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam được triệu tập tại căn cứ Bắc Tây Ninh để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam được Đại hội cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta toàn thắng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các cơ quan kháng chiến từ căn cứ Tây Ninh trở lại Sài Gòn để bắt tay vào xây dựng chính quyền mới và chuẩn bị cho công cuộc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Từ ngày 15 đến 21-11-1975, tại Dinh Độc lập đã diễn ra Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước của đoàn đại biểu cấp cao hai miền Nam - Bắc. Cuộc bầu cử Quốc hội sau khi thống nhất đất nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trúng cử với số phiếu rất cao.
Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất diễn ra năm 1977. Từ đây, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam kết thúc vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của mình để hòa chung vào khối đại đoàn kết dân tộc là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, luật sư được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, ngày 5-4-1980, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử giữ chức Quyền Chủ tịch nước.
Tháng 7-1981, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, luật sư được bầu làm Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 4-11-1988, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 8-1994, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được suy tôn là Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước. Cả cuộc đời ông tận tuỵ cống hiến cho đất nước, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý; Nhà nước Liên Xô tặng giải thưởng quốc tế mang tên Lênin và Huân chương Hữu nghị; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Dimitrov; Hội đồng hòa bình thế giới tặng Huân chương Jolio Cunie.
Cảm phục trước tấm lòng yêu nước sắt son và công lao của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với quê hương, đất nước, năm 2010, tỉnh Long An đã xây dựng Khu lưu niệm luật sư tại khu phố 1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức và khánh thành vào ngày 29-8-2015.
Tại huyện Bến Lức có ngôi trường THPT mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong nước, có những đường phố và trường học vinh dự mang tên Nguyễn Hữu Thọ.
Diện mạo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Trà Bá, TP.Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật |
Tại TP.Pleiku cũng có con đường Nguyễn Hữu Thọ, nằm ở phường Trà Bá. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku-cho biết: “Đường Nguyễn Hữu Thọ được đặt tên theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 11-8-2005 của UBND tỉnh. Dân cư ở tuyến đường này khá phát triển từ trước năm 2005 đến nay. Đường có chiều dài toàn tuyến là 1.020m. Năm 2019, tuyến đường đã được thành phố nâng cấp mở rộng với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 9 tỷ đồng, mặt đường rộng 5,5m, vỉa hè mỗi bên 2,25m, cùng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cấp điện hoàn chỉnh, hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo kiến trúc cảnh quan trong đô thị”.
Dọc 2 bên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ có 103 hộ dân; trong đó, 40% là hộ dân tộc thiểu số Jrai đa số làm nông nghiệp, số còn lại làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, ngành nghề khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường Trà Bá, trực tiếp là Chi ủy Chi bộ làng Ngó, cán bộ, Nhân dân nơi đây đã tích cực hưởng ứng xây dựng đô thị văn minh và tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư; khối đại đoàn kết dân tộc được đặc biệt chú trọng. Trên tuyến đường này chỉ còn 1 hộ cận nghèo. Hàng năm, hơn 97% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá nhiều năm liền…