Du lịch

Hành trang lữ hành

Quả bầu khô thành sản phẩm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, người Jrai ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã biến quả bầu khô thành sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách.

Từ xa xưa, đồng bào Jrai ở Ia Mơ Nông trồng bầu không chỉ để làm thức ăn mà còn làm thành những vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Quả bầu sau khi được phơi khô sẽ dùng để đựng nước, rượu, thức ăn, lễ vật cúng hoặc dùng chế tác thành nhạc cụ truyền thống. Từ khi mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” được thành lập, người dân làng Phung và làng Kép 1 đã chế tác quả bầu khô thành sản phẩm du lịch.

Vừa hướng dẫn đoàn du khách các quy trình làm bầu khô, bà Rơ Châm Beh (làng Kép 1) vừa trò chuyện: “Khoảng 3 tháng sau khi gieo trồng, những quả bầu bắt đầu già và chuyển sang màu vàng óng. Thường người phụ nữ trong gia đình sẽ chọn quả bầu to, đẹp nhất trên giàn đem cột lại, để dành làm giống cho mùa sau. Còn những quả cân đối, đủ độ già, da láng, không bị sâu bọ hút chích thì đem phơi khô”.

Bà Beh được mẹ dạy cách làm bầu khô từ năm lên 8 tuổi. Quy trình làm quả bầu khô gồm 3 giai đoạn: làm sạch ruột, tạo màu cho vỏ bầu và đánh bóng sản phẩm. Quả bầu sau khi hái được phơi nắng 1-2 tuần rồi tiến hành khoét miệng, mang ngâm xuống nước hoặc bùn trong vòng 1 tháng để phần ruột được lóc ra.

Lúc này, quả bầu được lấy lên súc rửa sạch, loại bỏ hoàn toàn phần ruột; sau đó tiếp tục được mang ra phơi 1-2 nắng nữa. Quả bầu khô sẽ được tạo bóng bằng cách phơi nắng hoặc tạo màu đen nâu bằng những chất liệu từ lá cây rừng.

Chị H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông-giới thiệu cho du khách về ý nghĩa và công dụng của quả bầu khô. Ảnh: Mai Ka

Chị H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông-giới thiệu cho du khách về ý nghĩa và công dụng của quả bầu khô. Ảnh: Mai Ka

Theo chị H'Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông: Thông qua mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông”, chúng tôi mong muốn giới thiệu và quảng bá tất cả những nét đẹp văn hóa của người Jrai ở Ia Mơ Nông, trong đó có quả bầu khô.

Tại các lễ hội của cộng đồng người Jrai như: cúng thần rừng, cúng nước giọt, mừng lúa mới…, quả bầu khô được dùng để đựng lễ vật dâng lên thần linh.

Người Jrai cho rằng, quả bầu là biểu tượng của sức mạnh, trường thọ và sự phát triển, có tác dụng hóa giải những khí xấu, mang lại may mắn cho buôn làng. Do đó, việc sử dụng quả bầu khô nhằm mục đích nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội, đoàn kết khi cùng uống chung một bầu nước hay một bầu rượu.

“Tôi vận động bà con gieo trồng trong vườn nhà để làm bầu khô và biến nó thành sản phẩm du lịch. Ngoài việc giúp du khách trải nghiệm quy trình làm bầu khô, chúng tôi còn bán sản phẩm này để tăng thu nhập cho bà con”-chị H'Uyên Niê cho biết.

Tham gia hướng dẫn du khách cách nhuộm đen quả bầu khô, chị Rơ Châm Ayân (làng Kép 1) tỉ mỉ chỉ rõ: “Quả bầu được đem ngâm với nước lá mắt mèo non hoặc dùng lá mắt mèo chà xát bên ngoài để vỏ bầu có màu đen, bóng, không bị phai màu theo thời gian. Sau khi chúng tôi chỉ cách làm, du khách có thể tự tay nhuộm đen quả bầu mà họ yêu thích. Người Jrai thường dùng quả bầu khô để đựng nước, rượu, gạo… Những quả bầu này thường được đậy kín miệng bằng những chiếc nùi làm bằng lá cây”.

Theo chị Ayân, vườn nhà chị năm nào cũng trồng bầu và cho thu hoạch khoảng 30-50 quả. Gia đình chị dùng để làm bầu khô, phục vụ khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm hoặc bán cho du khách với giá 50-200 ngàn đồng/quả.

Còn chị Rơ Châm Cheo (làng Phung) thì cho rằng: Thông thường, những quả bầu dùng để đựng nước phải có bụng phình to, hình thuôn dài ở cuống. Ngược lại, nếu để đựng rượu mời khách thì quả bầu phải có hình nậm rượu với eo thắt giữa thân, dáng tròn, nhỏ.

Du khách sau khi tìm hiểu sẽ được uống nước trong quả bầu. Hầu hết du khách đều bày tỏ sự thích thú và bất ngờ khi biết nước được đựng từ quả bầu khô sẽ mát và ngọt hơn bình thường.

“Điều chúng tôi muốn quảng bá tới du khách khi tới với ngôi làng của mình chính là giá trị của quả bầu khô. Nó không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn tượng trưng cho mối đoàn kết, gắn bó trong làng”-chị Cheo tự hào nói.

Chị Nguyễn Thị Hòa (bìa trái, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) thích thú tìm hiểu về quả bầu khô của người Jrai. Ảnh: M.K

Chị Nguyễn Thị Hòa (bìa trái, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) thích thú tìm hiểu về quả bầu khô của người Jrai. Ảnh: M.K

Là một trong những du khách đến tham quan Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, chị Nguyễn Thị Hòa (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) bày tỏ: “Đến đây, chúng tôi không chỉ được trải nghiệm nét văn hóa, phong tục độc đáo trong sinh hoạt hàng ngày của người Jrai như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, giã gạo, thưởng thức văn hóa ẩm thực… mà còn được trải nghiệm hoạt động làm quả bầu khô.

Chúng tôi khá bất ngờ khi sản phẩm bầu khô được làm thủ công nhưng rất đẹp mắt và tinh xảo. Trong chuyến đi, hầu hết mọi người đều mua bầu khô về làm quà cho người thân hoặc để làm kỷ niệm về nét văn hóa của một vùng đất”.

Có thể bạn quan tâm