Multimedia

Emagazine

E-magazine Tiêu thụ sản phẩm OCOP qua con đường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, UBND huyện Kbang đã công bố, trao quyết định chứng nhận 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2023 cho 8 chủ thể, trong đó có “Khăn quàng cổ Brưng” của chị Đinh Thị Hái (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng). Chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng, người hỗ trợ, hướng dẫn chị Hái xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống này-chia sẻ: “Để làm nên các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Bahnar, người phụ nữ phải bỏ ra rất nhiều thời gian để thực hiện các công đoạn từ trồng bông, thu hoạch, tách bông, kéo sợi, nhuộm màu, căng chỉ và dệt. Không chỉ chị Hái mà bà con Bahnar ở đây ý thức rất rõ việc lưu giữ các giá trị văn hóa để khai thác du lịch trong bối cảnh hiện nay. Nhưng họ chưa biết cách tái hiện câu chuyện để tăng sức hấp dẫn cho nghề truyền thống.

Tính đến tháng 11-2023, toàn tỉnh có 316 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao (49 sản phẩm đạt 4 sao và 267 sản phẩm đạt 3 sao). Sản phẩm OCOP đã được quảng bá rộng rãi tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như: Ngày hội du lịch huyện Kbang, Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh…

Các loại dược liệu khai thác dưới tán rừng Kbang luôn có sức hút với du khách khi đến Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Các loại dược liệu khai thác dưới tán rừng Kbang luôn có sức hút với du khách khi đến Gia Lai.

Ảnh: Hoàng Ngọc

Trong năm 2023, hàng loạt sản phẩm OCOP tiêu biểu và nông-lâm sản đặc trưng của tỉnh được bộ phận xúc tiến giới thiệu, quảng bá tại nhiều diễn đàn liên kết, phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh, thành phía Bắc, tại các hội nghị xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có những sản phẩm được các đối tác, du khách chú ý như: bò một nắng Mười Đức, sợi phở khô và tương đen (nguyên liệu của món phở khô Gia Lai), tiêu ngũ sắc, một số mặt hàng thời trang bằng thổ cẩm, chuông gió...

Sản phẩm OCOP được giới thiệu trong nhiều sự kiện xúc tiến du lịch của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Bùi Hương Thảo

Sản phẩm OCOP được giới thiệu trong nhiều sự kiện xúc tiến du lịch của tỉnh Gia Lai.

Ảnh: Bùi Hương Thảo

Theo ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT: “Những thành tựu nổi bật trong Chương trình OCOP tại Gia Lai những năm qua là cơ sở mở ra con đường mới cho du lịch nông nghiệp. Chương trình này đã và đang định vị các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, giúp nhận diện bản sắc văn hóa đặc thù, tính địa phương. Nhiều sản phẩm đồng thời là những chỉ dẫn địa lý khi nâng tầm lợi thế địa phương như: gạo Phú Thiện, khoai lang Lệ Cần, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, bò một nắng Krông Pa, cà phê Đak Yang, thổ cẩm Glar...”.

Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt-cho rằng: “Sản phẩm hàng hóa muốn vào thị trường du lịch điều quan trọng nhất là phải mang tính đặc sắc bên cạnh giá trị sử dụng. Nếu tính khác biệt, độc đáo của sản phẩm “chỉ ở đây mới có” thì giá trị sử dụng rộng rãi khiến không chỉ người mua dùng được mà còn làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Khi đó, số lượng sản phẩm bán ra mới nhiều, sức lan tỏa mới rộng rãi. Một khi tạo được thương hiệu cho sản phẩm thì sẽ mang đến lợi thế khác, như là gợi sự tò mò, dẫn dắt du khách về chính vùng đất đó để tìm hiểu. Và như vậy, sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp, nông thôn là 2 yếu tố phát triển song hành, có sự hỗ trợ, tương tác qua lại”.

“Trong quá trình đưa khách tham quan, khi hướng dẫn viên nói về cao mật nhân của rừng núi Kbang giúp quý ông khỏe hơn như thế nào, loại dược liệu này được người dân địa phương khai thác từ rừng và chế biến ra sao, du khách sẵn sàng mua ngay. Thực tế, nhiều du khách không chỉ mua sản phẩm 1 lần, sau đó, họ trở thành khách hàng thường xuyên. Như vậy, tiêu thụ sản phẩm qua con đường du lịch cần gắn với lịch sử vấn đề, những câu chuyện, vùng nguyên liệu và phải thực sự đặc trưng cho vùng đất đó. Khách du lịch không chỉ là khách hàng mà họ còn là cầu nối để giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm ra nhiều thị trường trong nước và quốc tế”-anh Trọng đúc kết.

Mới đây, tại diễn đàn bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, anh Đinh A Ngưi-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi (xã Kông Lơng Khơng) nhắc đến việc tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương. Anh cho rằng, gắn câu chuyện cho sản như thêm đôi cánh để sản phẩm có thể bay xa trong thị trường du lịch. “Tôi trực tiếp dẫn nhiều đoàn khách du lịch trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng ở vùng Đông Trường Sơn. Các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống của người dân địa phương nếu chỉ để trưng trên kệ sẽ rất ít khách tìm hiểu và mua hàng. Nhưng nếu tôi kể câu chuyện văn hóa, đời sống người Bahnar gắn với sản phẩm đó thì nhiều khách rất hứng thú và sẵn sàng để mua. Do đó, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch nông nghiệp chính là bán câu chuyện cho du khách”-anh A Ngưi nhấn mạnh.

Khi sản phẩm trở thành “sản vật” trong túi quà của khách du lịch, giá cả cũng là câu chuyện cần bàn. Thực tế, không phải giá rẻ mới có lợi thế cạnh tranh. Chị Thảo kể: “Có lần, chúng tôi mang các đặc sản của Kbang như sâm cau, sâm “khỏe”, mật nhân… giới thiệu tại sự kiện liên kết phát triển du lịch ở Phú Yên. Nhiều khách hàng rất thích, rất muốn mua nhưng họ lại ngần ngại khi đặt câu hỏi vì sao giá quá thấp so với những nơi khác. Rõ ràng, giá thấp chưa chắc đã là bí quyết thu hút khách hàng”.

Có thể bạn quan tâm