Sống trẻ - Sống đẹp

"Quả ngọt" từ những yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp tỉnh Gia Lai, ai cũng đều nghĩ đến những đứa trẻ kém may mắn được cưu mang, nuôi dưỡng tại đây. Và chính nhờ tình yêu thương từ “mái nhà chung” này, đã có những đứa trẻ biết vượt lên số phận để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. 
 Chị Rơ Châm Thuyên (bên phải) thường xuyên động viên các cụ già được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Ảnh: Hồng Thương
Chị Rơ Châm Thuyên (bên phải) thường xuyên động viên các cụ già được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Ảnh: Hồng Thương
Chúng tôi gặp em Nguyễn Trọng Thạnh (khối phố 12, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) khi em đang mải miết hoàn thành chiếc cửa sắt cho khách. Thạnh đã gắn bó với công việc này kể từ khi em rời khỏi Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp tỉnh. Mồ côi cả cha lẫn mẹ nên năm 1999, Thạnh được Trung tâm đón về nuôi dưỡng. Suốt hơn 14 năm sống dưới mái nhà chung này, em không chỉ nhận được sự yêu thương đùm bọc của các cô, các mẹ mà còn được tạo điều kiện cho ăn học đầy đủ. Năm 2011, Thạnh trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai chuyên ngành Cơ khí tổng hợp. Ra trường, em xin vào làm công nhân cho Công ty TNHH Hiệp Thuận Phát (TP. Pleiku) với mức lương tăng dần từ 4 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tháng. Năm 2016, sau khi có một ít vốn, em trở về thị trấn Phú Túc mở một cơ sở làm cửa sắt, thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Thạnh chia sẻ: “Khoản tiền ấy chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Do đó, em dự định sẽ mở xưởng sửa chữa cơ khí để nhận thêm việc làm nhằm tăng thu nhập”. 
Cũng như Thạnh, trong sự đùm bọc và dạy dỗ của các mẹ ở Trung tâm, đứa bé mồ côi Rơ Mah Choi (làng Pong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) ngày nào giờ đã trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Trước đó, sau khi tốt nghiệp THPT, em được các mẹ ở Trung tâm hướng dẫn làm hồ sơ và được xét đi học cử tuyển chuyên ngành Hộ sinh, khoa Điều dưỡng-Kỹ thuật y học Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Sau 5 năm nỗ lực học tập, em ra trường và được nhận về làm tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Có công việc ổn định, em bắt đầu dành dụm và vay mượn thêm để làm nhà trên mảnh đất bố mẹ để lại. Choi tâm sự: “Nhờ được các cô, các mẹ nuôi dưỡng và tạo điều kiện ăn học mà em có được cuộc sống như ngày hôm nay. Em sẽ cố gắng làm việc thật tốt để tự lo cho cuộc sống của mình. Đó cũng là cách báo đáp công ơn của các mẹ, các cô”.
Trong khi đó, dù chỉ đang thử việc nhưng em Rơ Châm Thuyên rất mãn nguyện khi kể về công việc mình đang đảm nhận tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp tỉnh. Thuyên kể, năm 2015, sau khi thi tuyển, em đậu vào Trường Trung cấp Y tế Gia Lai, Khoa Điều dưỡng. Sau 2 năm theo học với sự hỗ trợ về học phí của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp tỉnh cùng sự nỗ lực của bản thân, em đã hoàn thành khóa học và xin về thử việc tại Trung tâm. “Em mồ côi bố từ nhỏ, mẹ còn phải nuôi 4 người con nên năm 2004, em được Trung tâm đón về nuôi. Nhờ được các mẹ, các cô dạy kiến thức, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp mà em có một nghề để tự lo cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, điều em thấy hạnh phúc là thêm một lần nữa Trung tâm đón em trở lại đây công tác để em có cơ hội được chung tay cùng các mẹ, các cô chăm sóc các em, các cụ. Em sẽ cố gắng phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”-Thuyên tâm sự.
Nói về những “đứa con” được nuôi dưỡng tại Trung tâm nay đã trưởng thành, bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp tỉnh-chia sẻ: Tuy sớm phải chịu thiệt thòi vì thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ nhưng nhờ sự tận tâm nuôi dưỡng, dạy bảo của các mẹ tại Trung tâm, nhiều em đã trưởng thành, vượt lên số phận để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, sau hơn 20 năm kể từ khi Trung tâm thành lập, đã có trên 30 em vượt khó học giỏi được Trung tâm hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học phí để theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Ngoài nỗ lực tìm kiếm việc làm của mỗi em sau khi ra trường, Trung tâm cũng liên hệ với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp để giới thiệu cho các em những vị trí công việc phù hợp với năng lực và sở học. “Tuy nhiên, điều Trung tâm băn khoăn là hiện Nhà nước đã có những chế độ đãi ngộ về việc làm cho con em gia đình chính sách, lực lượng vũ trang nhưng chưa có sự ưu đãi nào cho trẻ mồ côi. Do đó, Trung tâm rất mong Nhà nước, các doanh nghiệp tạo điều kiện để các em có được một công việc ổn định”-bà Châm kiến nghị.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm