Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Quân đoàn 3: Xây dựng môi trường không khói thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cùng với triển khai nhiều biện pháp khác nên số lượng quân nhân hút thuốc lá trong các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 ngày càng giảm và xuất hiện nhiều “Chi đoàn không khói thuốc”. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Đại tá TỐNG VĂN HIỂU-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3.
 

Ảnh: V.H
Ảnh: V.H

P.V: Thưa đồng chí, Quân đoàn 3 đã đạt được những kết quả như thế nào trong việc vận động quân nhân không hút thuốc lá?

- Đại tá TỐNG VĂN HIỂU: Từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân đoàn làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và những nội dung chính trong Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá tới cán bộ, chiến sĩ. Quân đoàn cũng đã có hướng dẫn xây dựng mô hình “Chi đoàn không có cán bộ và đoàn viên thanh niên hút thuốc”. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng tự đăng ký bỏ thuốc, cam kết không hút thuốc và thực tế nhiều đồng chí đã bỏ được thuốc lá. Hiện nay, toàn Quân đoàn có 30 chi đoàn với 100% đoàn viên thanh niên (ĐVTN) không hút thuốc. Tiêu biểu như Đoàn cơ sở Lữ đoàn 273, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 40... Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, vận động gia đình, người thân và nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân hiểu rõ tác hại của thuốc lá, giúp giảm thiểu người hút thuốc lá trong cộng đồng.

P.V: Mô hình “Chi đoàn không khói thuốc” đã phát huy hiệu quả, đồng chí có thể nói rõ cách thực hiện mô hình này?

- Đại tá TỐNG VĂN HIỂU: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều ĐVTN trong các đơn vị khi bỏ thuốc lá đã tiết kiệm được những khoản tiền nhất định. Ở Lữ đoàn 7 và Sư đoàn 320 có mô hình “Tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp”. Nhiều chiến sĩ nhờ tiết kiệm chi tiêu, trong đó có tiết kiệm từ tiền hút thuốc lá nên khi ra quân nhận được 15-22 triệu đồng, đây là một khoản tiền không nhỏ giúp các chiến sĩ tham gia học nghề để kiếm việc làm.

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Để phát huy tốt mô hình “Chi đoàn không khói thuốc”, trước hết, các cơ sở Đoàn cần khảo sát nắm số lượng đoàn viên còn hút thuốc, sau đó xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục đích, nội dung, biện pháp với lộ trình, bước đi thích hợp. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp tâm lý, thị hiếu của tuổi trẻ. Nội dung giáo dục tập trung làm rõ tác hại của việc hút thuốc đến bản thân, gia đình, cộng đồng và môi trường chính quy của đơn vị; ý thức xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị; các quy định về việc cấm hút thuốc lá nơi làm việc. Cấp ủy, chi bộ cần tập trung lãnh đạo, gắn trách nhiệm của chi ủy, cán bộ, đảng viên với việc thực hiện “Chi đoàn không khói thuốc”. Bên cạnh đó, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị phải tự giác bỏ thuốc lá và giáo dục, vận động, giúp đỡ nhau bỏ thuốc lá; vận động người thân, gia đình chiến sĩ khi lên thăm đơn vị thuyết phục con em mình bỏ thuốc lá.

P.V: Đơn vị có biện pháp gì để cán bộ, chiến sĩ không hút thuốc trở lại, thưa đồng chí?

- Đại tá TỐNG VĂN HIỂU: Để ngăn chặn việc cán bộ, chiến sĩ hút thuốc trở lại, trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân và thời điểm phổ biến diễn ra tình trạng đó. Bản thân tôi nhiều lần nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ để tìm hiểu nguyên nhân hút thuốc trở lại và nhận thấy: Cơ bản các đồng chí đã bỏ được thuốc nhưng hút trở lại đều trong những thời điểm tâm lý, tư tưởng căng thẳng hoặc do chưa thực sự bản lĩnh, kiên trì; bị tác động bởi các đồng chí bên cạnh hút thuốc… Để ngăn chặn tình trạng hút thuốc trở lại thì cần tiếp tục giáo dục, rèn luyện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ. Phân công kèm cặp, kiểm tra, bám nắm liên tục để có biện pháp động viên, ngăn ngừa, phát hiện và giải quyết kịp thời. Kết hợp với việc đa dạng hóa các hoạt động vui chơi giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của cán bộ, chiến sĩ góp phần “kéo” chiến sĩ trẻ tránh xa thuốc lá, nâng cao sức khỏe, thể lực.

Quân số của đơn vị cơ sở thường biến động, nhất là lúc tiếp nhận huấn luyện chiến sĩ mới. Vì vậy, các đơn vị phải nắm chắc số lượng ĐVTN hút thuốc, mức độ nghiện… để có biện pháp giáo dục, vận động, thuyết phục, ấn định thời gian quyết tâm bỏ thuốc. Ngoài ra, phải liên tục quan tâm xây dựng môi trường văn hóa “Nói không với thuốc lá”, căng tin các đơn vị không bán thuốc lá, không hút thuốc lá nơi ăn ở, nơi làm việc, nơi đông người. Gắn kết quả của thực hiện mô hình “Chi đoàn không khói thuốc” với hoạt động thi đua, khen thưởng, thường xuyên kiểm tra, kiên trì bám nắm, theo sát tình hình để rút kinh nghiệm, chỉ đạo, định hướng kịp thời.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Vĩnh Hoàng (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm