Phóng sự - Ký sự

Quân đội sản xuất nhiều vũ khí hỏa lực bộ binh mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hỏa lực mang vác đi kèm bộ binh là các loại vũ khí có sức công phá lớn, hỗ trợ bộ đội thực hành chiến đấu.

Từ nhiều năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã cải tiến, sản xuất mới nhiều vũ khí hỏa lực hỗ trợ bộ binh.

Bộ đội Tiểu đoàn nhà giàn DK1 (Vùng 2 hải quân) trực sẵn sàng chiến đấu với súng máy 12,7 mm

Súng chống tăng SPG-9T sức mạnh vượt trội của vũ khí hiện đại trong tác chiến

Súng chống tăng SPG-9 do Liên Xô (cũ) thiết kế, chế tạo, được trang bị ở các đơn vị bộ binh cơ giới của các quân khu, quân đoàn để huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Do đây là hỏa lực mạnh dùng cho khẩu đội, có nhiều ưu điểm, nên năm 1998, Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế súng chống tăng kiểu SPG-9, hoàn thành cuối 1999.

Khẩu đội súng chống tăng SPG-9T di chuyển trận địa trong diễn tập

Quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã xây dựng bộ tài liệu thiết kế đồng bộ súng SPG-9 đủ điều kiện để chế tạo. Qua thủ nghiệm thực tế, súng đạt yêu cầu tính năng, kỹ chiến thuật đã đề ra.

Cuối năm 2000, sản phẩm SPG-9 do Việt Nam chế tạo được cấp trên đánh giá nghiệm thu xuất sắc và mang tên SPG-9T.

Từ năm 2002 đến nay, súng chống tăng SPG-9T được sản xuất tại nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) với một số cải tiến phù hợp với điều kiện tác chiến tại khu vực miền núi, môi trường thời tiết nóng ẩm, tác chiến bộ binh mang vác.

Súng chống tăng SPG-9T tiêu diệt mục tiêu chính xác

Đặc biệt, súng chống tăng SPG-9T sử dụng 2 loại đạn cũng do Việt Nam thiết kế, sản xuất là đạn chống tăng PG-9B xuyên lõm và đạn OG-9VN sát thương.

Triển khai trận địa

Súng chống tăng 82 mm ĐKZ-82B10VN

Đến năm 2001, trong kho của quân đội ta còn rất nhiều đạn ĐKZ-82B10, trong khi súng đã xuống cấp, số lượng ít, không đủ nhu cầu trang bị.

Trước tình hình đó, đầu năm 2001, cấp trên giao nhiệm vụ cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng hoàn thiện lại thiết kế theo phương án sử dụng vật liệu hiện có và triển khai chế thử súng ĐKZ-82B10 của Việt Nam.

Trong thời gian ngắn, với khối lượng công việc lớn, có nhiều nội dung công nghệ phức tạp, Viện Vũ khí đã cùng các nhà máy Z125, Z199 triển khai tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Dân quân TP.Lai Châu huấn luyện sử dụng súng chống tăng ĐKZ-82B10VN

Súng chống tăng ĐKZ-82B10 do Việt Nam cải tiến, chế tạo có kết cấu đơn giản, gọn nhẹ hơn súng nguyên bản, nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng kỹ, chiến thuật cơ bản và dùng chung đạn, kính ngắm của súng nguyên bản…

Súng máy phòng không 12,7 mm Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp), thăm chiến sĩ trực chiến súng cao xạ 12,7 mm trên đảo Núi Le (Trường Sa), tháng 4.2022

Súng 12,7 mm là vũ khí phòng không tầm thấp được viện trợ chủ yếu từ Liên Xô (cũ) và Trung Quốc (12,7 mm kiểu K38/46, súng 12,7 mm kiểu K54)…

Năm 2000, Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư chế tạo súng trọng liên 12,7 mm kiểu NSV của nhà máy Z111 và Viện Vũ khí xây dựng tài liệu thiết kế chế tạo.

Thử nghiệm súng phòng không 12,7 mm giảm nhẹ, năm 2007

Sản phẩm của dự án là súng máy phòng không 12,7 mm Việt Nam có thân súng kiểu NSV; giá súng và máy ngắm cơ khí được cải tiến tương tự súng 12,7 mm kiểu K54; hộp tiếp đạn và các trang bị khác dùng chung với 12,7 mm kiểu K54…

Nghiệm thu kính ngắm quang học KTQ lắp trên súng phòng không 12,7 mm

Từ 2004, súng 12,7 mm Việt Nam được sản xuất tại nhà máy Z111.

Do súng máy phòng không 12,7 mm Việt Nam đồng bộ có khối lượng tương đối lớn (khoảng 86 kg), gây khó khăn khi hành quân, di chuyển trận địa… nên năm 2007, cấp trên yêu cầu nghiên cứu thiết kế chế tạo súng 12,7 mm giảm nhẹ…

Súng 12,7 mm trực chiến tại quần đảo Trường Sa

Sau khi nghiên cứu, nhóm đề tài đã ứng dụng các vật liệu mới, thiết kế tối giản kết cấu giá súng từ 44 kg xuống còn 31 kg và toàn bộ trọng lượng súng từ 86 kg xuống 63 kg, nhưng vẫn đảm bảo độ bền và tính năng kỹ - chiến thuật.

Mẫu súng cao xạ 12,7 mm SCX-12,7V của Việt Nam

Từ 2008, súng 12,7 mm Việt Nam được Z111 sản xuất hàng loạt và trang bị cho các đơn vị với tên gọi chính thức là súng cao xạ 12,7 mm SCX-12,7V.

Súng 12,7 mm trực chiến trên nhà giàn DK1

Mới đây, nhà máy Z111 cũng sản xuất để đưa vào biên chế, súng đại liên 7,62 mm ĐN7L.

Súng do Viện Vũ khí nghiên cứu thiết kế, với các thông số kỹ thuật cơ bản, như: Cỡ nòng 7,62 mm; sử dụng đạn 7,62x54 mm; chiều dài súng 1.173 mm; khối lượng 13 kg (không đạn); tầm bắn hiệu quả 800 - 1.000 m…

Súng đại liên ĐN7L do nhà máy Z111 sản xuất

Đặc biệt, đại liên ĐN7L của Việt Nam vừa có ray picatiny, vừa có gá lắp bên trái, cho phép súng có thể gắn được nhiều loại kính ngắm cả kiểu cũ lẫn mới.

Thiếu tá Phùng Tất Thành, Phó giám đốc nhà máy Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) giới thiệu súng đại liên ĐN7L với PV Báo Thanh Niên

Theo Mai Thanh Hải - Võ Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm