Thời sự - Bình luận

Quản lý dạy thêm tốt hơn khi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, câu chuyện dạy thêm-học thêm một lần nữa được “hâm nóng” khi có ý kiến đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trước đây, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng hiện vẫn chưa được chấp thuận.

Giáo viên tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Mộc Trà

Giáo viên tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Mộc Trà

Như chúng ta đã biết, văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động dạy thêm-học thêm là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ GD-ĐT. Đến năm 2016, Luật Đầu tư (sửa đổi) bỏ dạy thêm-học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; việc cấp phép cho hoạt động dạy thêm theo Thông tư số 17 vì thế cũng bị vô hiệu.

Ngày 26-8-2019, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17. Đây là các điều quy định về việc tổ chức dạy thêm-học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm và người tổ chức hoạt động dạy thêm-học thêm; quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm-học thêm và các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm-học thêm...

Và có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng dạy thêm-học thêm tồn tại nhiều bất cập, nhất là dạy thêm ngoài nhà trường vì thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh, giám sát.

Là phụ huynh có con học tiểu học, anh N.T.H. (tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) cho rằng: Lâu nay, Bộ GD-ĐT không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học chưa tốt như tôi lại muốn cho con học thêm ngoài giờ chính khóa để nâng cao kiến thức.

Tôi nghĩ, việc có quy định rõ ràng và đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ là giải pháp hiệu quả, giúp học sinh có nhu cầu được học tập chính đáng và giáo viên cũng có thêm điều kiện để trau dồi kiến thức cũng như cải thiện thu nhập.

Cô Nguyễn Thị Diễm-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng nhìn nhận: Hiện nay, việc dạy thêm-học thêm diễn ra theo nhiều cách khác nhau, có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực, gây khó khăn trong công tác quản lý và tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng.

Vì vậy, khi dạy thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc hoạt động này được quản lý bằng luật và mang tính đồng bộ trong cả nước, đảm bảo lấy học sinh làm trung tâm và đạt được hiệu quả tốt nhất.

“Đã đến lúc chúng ta không nên tránh né hoặc nhìn nhận với thái độ thiếu tích cực về dạy thêm-học thêm mà phải đánh giá trực diện bản chất của vấn đề. Tôi hoàn toàn ủng hộ đối với đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ cần một chế tài phù hợp, quy định rõ ràng thì thầy-cô giáo sẽ yên tâm giảng dạy, phụ huynh và học sinh cũng tin tưởng hơn”-cô Diễm khẳng định.

Là người từng làm công tác quản lý giáo dục, bà Nhan Thị Hằng Nga-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cũng đồng tình với việc cần sớm có quy định rõ ràng, chặt chẽ cho vấn đề dạy thêm-học thêm.

Theo bà Nga, một khi đã tổ chức dạy thêm và có phát sinh thu nhập từ công việc đó, giáo viên cần phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước để đảm bảo sự công bằng như các ngành nghề khác.

“Mặc dù bản chất của việc dạy thêm là kinh doanh nhưng thiết nghĩ không nên gọi đây là ngành nghề kinh doanh mà thay vào đó là một cụm từ khác phù hợp hơn để không làm mất đi ý nghĩa của giáo dục và giá trị của việc bồi dưỡng tri thức”-bà Nga nêu quan điểm.

Cũng theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, bản chất của dạy thêm-học thêm không xấu vì có cầu thì ắt có cung. Dạy thêm chỉ xấu khi bị biến tướng và thiếu sự tự nguyện.

Do đó, việc tạo ra một hành lang pháp lý cho dạy thêm-học thêm là vô cùng cần thiết; vừa giúp bộ, ngành, địa phương thuận lợi trong quản lý, vừa đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học và người dạy.

Dĩ nhiên, việc dạy thêm của giáo viên cũng cần đảm bảo về mặt đối tượng, tức là chỉ phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Đặc biệt, đối tượng dạy thêm không được là học sinh đang do giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp để đảm bảo tính khách quan trong kiểm tra, đánh giá.

“Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng cần quản lý chặt chẽ về kế hoạch, nội dung dạy thêm của giáo viên trên cơ sở nhu cầu của học sinh; tránh tình trạng giáo viên khi lên lớp thì dạy không đúng, đủ chương trình mà cắt xén để dành kiến thức về nhà dạy thêm hoặc dạy thêm ồ ạt mà không chất lượng, hiệu quả”-bà Nga đề xuất.

Có thể bạn quan tâm