Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Quan ngại bệnh thành tích trong giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để nắm bắt, thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về một số vấn đề mà dư luận quan tâm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội về thực trạng công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Chuyển biến tích cực

Cuộc điều tra qua môi trường internet (mạng xã hội Facebook, Zalo) trên quy mô toàn tỉnh đã thu hút 7.992 người tham gia trả lời phiếu. Căn cứ quy mô cuộc điều tra, báo cáo tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu từ 6.000/7.992 phiếu thu được theo 2 nhóm đối tượng là người hiện có con, cháu đang theo học các bậc học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) với tỷ lệ 60% phiếu và người không có con, cháu đang theo học các bậc học phổ thông với tỷ lệ 40% phiếu.

Theo kết quả điều tra, có đến 87,33% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đánh giá chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh đạt tốt và khá (trong đó, đánh giá tốt là 40,53%, khá 46,8%); chỉ có 11,7% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đánh giá đạt trung bình và 0,97% đánh giá chưa đạt yêu cầu. Điều đó cho thấy, chất lượng dạy và học của tỉnh thời gian qua có tiến bộ tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Đi sâu vào từng bậc học, kết quả phân tích số liệu điều tra cho thấy có 47,23% số người được hỏi đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục bậc tiểu học có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Đánh giá này ở bậc THCS là 33,07%, bậc THPT là 30,8%. Đối với các vấn đề, lĩnh vực cụ thể, có 46,48% người được hỏi đánh giá cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học có sự chuyển biến tích cực. Tiếp đến lần lượt là: chất lượng đội ngũ nhà giáo (45,15%); công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, hỗ trợ học sinh (44,28%); đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo nâng lên (37,32%); công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh (32,32%); khắc phục tiêu cực trong thi cử và dạy học (25,7%); công tác tuyển sinh đầu cấp ở các cấp học phổ thông (24,07%).

Thầy và trò Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) trong một tiết học. Ảnh: Mộc Trà

Thầy và trò Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) trong một tiết học. Ảnh: Mộc Trà

Về những biểu hiện đáng lo ngại, cần chấn chỉnh trong các nhà trường hiện nay, kết quả điều tra xác định là bệnh thành tích trong dạy và học với 54,05% được hỏi đồng tình với phương án này. Tiếp đến những vấn đề mà người dân cảm thấy đáng lo ngại, cần chấn chỉnh trong trường học lần lượt là: tình trạng học sinh ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô (43,3%); tình trạng học sinh vướng vào các tệ nạn xã hội (cờ bạc, lô đề, game online, cá độ bóng đá, rượu chè, ma túy, đua xe, trộm cắp, đánh nhau...) với 35,77%; việc dạy thêm, học thêm trái quy định (34,92%); bạo lực học đường (30,4%); tình trạng lạm thu trong nhà trường (22,45%); tình trạng chạy trường, lớp tuyển sinh đầu cấp, trái tuyến (18,97%); giáo viên đối xử thiếu công bằng với học sinh (14,48%)… Kết quả này cho thấy, bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, bởi vẫn còn tình trạng chất lượng dạy và học trên thực tế và trên báo cáo khác xa nhau. Thực trạng phản ánh nhiều thầy cô giáo vì “bệnh thành tích”, vì áp thi đua mà cho điểm cao hơn thực lực của học sinh, tìm cách “kéo” các em lên để đủ điểm “giỏi” hoặc để số lượng học sinh đạt giấy khen cao hơn. Bên cạnh đó, vấn đề phụ huynh lo ngại là tình trạng học sinh ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô, nghiện game và bạo lực học đường. Công tác giáo dục đạo đức, quản lý học sinh của các trường, gia đình vẫn còn hạn chế.

Về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo kết quả điều tra, khó khăn lớn nhất đối với tỉnh hiện nay là sách giáo khoa mới có nhiều môn học mới nên thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn. Có 51,73% số người được hỏi đồng ý với phương án này. Khó khăn tiếp đến là: cơ sở vật chất, trang-thiết bị chưa đảm bảo, lộ trình áp dụng quá gấp gáp (46,9%); một số em học sinh còn thiếu sách giáo khoa, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa (42,5%); chương trình mới ở các bậc học tuy có giảm tải, nhưng vẫn còn khá nặng đối với nhiều giáo viên và học sinh (41,32%); giáo viên dạy các nhóm môn tổ hợp khó khăn vì phải dạy nhiều môn học trong khi chỉ được đào tạo dạy 1 môn (39,85%); việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học còn gặp khó khăn do việc lồng ghép quá nhiều nội dung môn học (39,4%); học sinh lớp 10 còn lúng túng khi lựa chọn tổ hợp môn để theo học (33,17%); chương trình giáo dục địa phương (các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) chưa phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của học sinh (22,4%)...

Cần các giải pháp phù hợp

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian đến, 70,43% cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân đề xuất giải pháp “tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện để phục vụ công tác dạy học. Huy động các nguồn lực để bổ sung thiết bị dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới”. Tiếp đến lần lượt là: tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT, tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhất là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (62,27%); tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh (59,27%); chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT (59,25%). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động giáo dục, đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học trong đội ngũ giáo viên (49,1%); chỉ đạo các nhà trường xây dựng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các kế hoạch chuyên môn theo tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa các bậc học (36,82%); tiếp tục đổi mới công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh (36,43%); đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT (32,83%); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động dạy và học (31,57%)…

Cuộc điều tra cũng đã thu thập trên 5.000 ý kiến đề xuất những mô hình, cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần chú trọng kết hợp một cách khoa học, hài hòa giữa phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu học tập linh hoạt hiện nay. Nghiên cứu triển khai một số mô hình học tập kết hợp, cho phép người học lựa chọn môn học mình muốn, tăng tính cá nhân hóa trong giáo dục, giúp người học hứng thú hơn trong học tập. Kiên quyết nói không với “bệnh thành tích” trong giáo dục, đảm bảo công tác đánh giá kết quả dạy và học phải phản ánh đúng thực chất, năng lực của giáo viên và học sinh. Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, vì đây chỉ là “hình thức”, gắn với đó là tính toán lại việc làm và chấm sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục hiện nay, bởi đa số là sao chép để đối phó. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc thực hành, trải nghiệm của học sinh; giúp các em biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế đời sống.

Nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời gian dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những giáo viên giỏi, tốt theo chuyên đề, theo bầu chọn của học sinh. Bên cạnh đó, thử nghiệm mô hình “Ước mơ của em” để học sinh thuyết trình/viết ra nguyện vọng lựa chọn nghề tương lai, lựa chọn cách học phù hợp. Tăng cường nghiên cứu và áp dụng nhiều mô hình cho trẻ được thực hành trải nghiệm thông qua các bài học, chủ đề; chú trọng việc rèn kỹ năng sống cho trẻ. Làm tốt công tác tập huấn cho giáo viên về kỹ năng mềm, nhằm giúp giáo viên gần gũi, thân thiết với học sinh hơn, để từ đó nắm được những tương tư, nguyện vọng ở học sinh. Đổi mới việc đánh giá kết quả đối với những môn thuộc về năng khiếu: âm nhạc, mỹ thuật… bậc tiểu học, tránh việc đánh giá cứng nhắc và khắt khe quá, dẫn đến tình trạng tạo áp lực tâm lý cho cả trẻ và gia đình. Giao cho các trường chủ động hơn trong việc điều chỉnh, chủ động về nội dung tích hợp, lồng ghép, triển khai chương trình giáo dục địa phương phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị.

Có thể bạn quan tâm