Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Quan tâm bảo tồn loại hình hát ru

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hát ru là một trong các loại hình dân ca thuộc di sản phi vật thể được truyền miệng từ đời này qua đời khác của các dân tộc, trong đó có dân tộc Jrai và Bahnar.

Đối với dân tộc Kinh, ở 3 miền Bắc-Trung-Nam, mỗi nơi đều có làn điệu hát ru riêng. Dường như người mẹ, người chị nào cũng thuộc đôi ba bài hát ru và đã từng hát ru con, ru em ngủ trên võng, trong nôi hay trong vòng tay ấm áp của mình.

Và bao đời nay, những đứa trẻ lớn lên đều thấm đẫm những lời ru ngọt ngào, êm ái của mẹ, của bà, của chị. Trong bài “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho đã nói lên tiếng lòng ấy: “Ru con/Mẹ ru con/Tiếng ru cả cuộc đời/Ru con/Lời ru/Cất lên từ ngàn đời/Biển xanh xanh/Trời xanh xanh/Cho con bao hy vọng/Rừng xanh xanh/Dòng sông xanh/Cho con bao hy vọng”.

Một tiết mục hát dân ca kết hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: Phương Duyên

Một tiết mục hát dân ca kết hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: Phương Duyên

Với dân tộc Jrai, Bahnar, bên cạnh các làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng như hát giao duyên, hát sinh hoạt… thì hát ru cũng rất phổ biến. Các mẹ, các chị ở khắp buôn làng ai cũng có thể cất lên đôi làn điệu hát ru để vỗ về con, em chìm vào giấc ngủ.

Người mẹ Jrai, Bahnar thường địu con bằng tấm dồ đeo trên vai và đặt em bé vào. Khi em bé thõng 2 chân xuống một cách thoải mái, mặt có thể nép vào lưng mẹ, rồi có thể xoay ra phía trước để bé úp vào lồng ngực ấm áp, người mẹ lấy tay vỗ nhẹ vào lưng hay vào mông của bé và cất lên tiếng ru êm dịu: “À ơ con trai nhỏ bé của mẹ/À ơ con, ngủ đi con, ngủ cho ngoan/Thương, mẹ thương con trai của mẹ/Cha và anh con đốt rẫy làm nương/Mẹ đang bận dệt áo cho con” (hát ru Bahnar).

Người mẹ mỗi khi rời nhà lên rẫy hay đi lấy nước thường địu con theo bên mình nhằm bảo vệ đứa con yêu quý. Đứa bé sau khi no sữa, mẹ dịu dàng vỗ về với lời ru nhẹ nhàng để con chìm vào giấc ngủ êm ái trong hơi ấm của tình mẫu tử: “Ru ơ ru, con ơi đừng khóc nào/Ru ơ ru, con ơi ngủ ngon nào/Cho mẹ cha vào rừng làm nương (ơ) làm rẫy/Mai, ngày mai, con như đàn chim phí bay giữa trời/Con sẽ đi khắp mọi miền quê hương đất nước/Con sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn hoa pơ lang” (hát ru Jrai). Do vậy, không gian người Jrai, Bahnar hát ru rộng thoáng, lúc ở trong chòi giữ rẫy, có khi đi xúc cá, hái rau rừng và cả khi đang lao động ngoài nương rẫy.

Lời hát ru của người Kinh thường được rút ra từ ca dao với nội dung phong phú, đa dạng. Có thể đó là lời ca ngợi quê hương, đất nước, công cha nghĩa mẹ, giao duyên… nhưng cũng có thể đó là những lời răn dạy, bài học luân lý nhắn gửi cho người yêu, cho chồng con một cách tế nhị và sâu sắc: “Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè/Anh mê vợ bé bỏ bầy con thơ/Ầu ơ, con thơ tay ẵm tay bồng/Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông”.

Còn nội dung ca từ trong những bài hát ru của người Jrai, Bahnar (đã được sưu tầm và công bố) thường giản đơn, mộc mạc hơn, đa phần chỉ xoay quanh các sinh hoạt, lao động hàng ngày ở buôn làng, nương rẫy: “Đi, chị cõng con, chị ru con ngủ/Tí nữa anh về, anh bắt cho con/Con chim pôt tiếng hót vang vang/Con chim jong biết hót gọi nhau/Chim chrao nhanh nhảu trả lời” (hát ru Bahnar).

Xét về âm nhạc, phần âm thanh tác động đến tâm hồn đứa trẻ một cách tích cực nên tiếng hát, giọng điệu của người mẹ, người chị hát ru mang sắc thái riêng có ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ. Người Kinh có giọng hát ru mang sắc thái của từng vùng miền khác nhau nhưng nhìn chung giai điệu bài hát ru bao giờ cũng mượt mà, êm ái, dễ đi vào lòng người: “À ơi, chim xanh ăn trái xoài xanh/Ăn no tắm mát đậu nhành líu lo… À ơi, ơi à” (hát ru Nam Bộ). Còn hát ru của người Jrai, Bahnar có cấu trúc âm nhạc khá chặt chẽ.

Theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, thông thường, bài hát ru Jrai có 2 hoặc 4 câu được lặp đi lặp lại nhiều lần do nội dung ca từ. Chính điều đó làm cho tuyến giai điệu của bài hát ru có thay đổi chút ít cho phù hợp với ngữ âm của lời ca. Thế nhưng, tất cả những bài hát ru nói riêng, dân ca nói chung của người Jrai đều xây dựng trên điệu thức 5 âm có 1 hoặc 2 bán cung. Mặt khác, tất cả các bài hát ru bao giờ cũng vào nhịp ngay từ đầu, kết thúc cũng vậy.

Ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân. Có lẽ vì thế mà những lời hát ru con của các bà mẹ cũng dần vắng bóng. Từ thôn quê người Kinh đến buôn làng các dân tộc thiểu số dường như thiếu vắng tiếng à ơi ru con giữa buổi trưa nồng hay trong đêm thanh vắng. Đó là một thiệt thòi lớn để hình thành nên nhân cách mang đậm bản sắc dân tộc ở mỗi đứa trẻ được sinh ra.

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các địa phương ở Gia Lai đã tổ chức nhiều liên hoan hát ru, dân ca và trình diễn các nhạc cụ dân tộc thường niên nhằm tôn vinh, khuyến khích các mẹ, các chị sưu tầm, bảo tồn những làn điệu hát ru của dân tộc mình; đồng thời trao truyền lại cho thế hệ trẻ sau này.

Có thể bạn quan tâm