Xã hội

Lao động - Việc làm

Quan tâm giải quyết chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 1 trong 5 loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH. Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN không chỉ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động mà còn là “bà đỡ” của doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Hữu Chinh (SN 1987, trú tại 104 Tôn Thất Thuyết, TP. Pleiku) là nhân viên Điện lực Mang Yang (thuộc Công ty Điện lực Gia Lai). Ngày 13-9-2022, trên đường đi từ cơ quan đến công trình, anh Chinh bị một chiếc xe ô tô bán tải đâm phải. Vụ tai nạn khiến anh bị chấn thương sọ não. “Sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan cho tôi nghỉ 3 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, do tai nạn để lại di chứng nặng nên tôi làm đơn xin nghỉ việc”-anh Chinh kể.

Việc quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Đ.Y

Việc quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Đ.Y

Với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật lên đến 37%, anh Chinh được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN hàng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ tháng 5-2023 đến nay, anh đều nhận được số tiền trợ cấp 931.000 đồng/tháng. Dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh phương thức chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng, loại hình bảo hiểm này còn giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần đối với lao động bị TNLĐ-BNN suy giảm khả năng lao động dưới 31%. Ông Trần Văn Thản (SN 1971, trú tại tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai. Ngày 6-8-2022, ông Thản bị gãy chân phải khi đang cưa cây xanh. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, ông được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó, Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành điều tra và giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật. Kết quả giám định cho thấy, ông Thản bị suy giảm khả năng lao động với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 25%. Nhờ tham gia BHXH tại doanh nghiệp, ông Thản được bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả chế độ 1 lần. “Tháng 1-2023, tôi được BHXH chi trả hơn 54 triệu đồng, tương đương với khoảng 4-5 tháng lương. Trong hơn 3 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã giúp tôi rất nhiều. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH”-ông Thản tâm sự.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hồng Hạnh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết: Những năm qua, công tác chi trả chế độ TNLĐ-BNN được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, BHXH thực hiện đa dạng các hình thức chi trả, qua đó việc nhận trợ cấp TNLĐ-BNN của người lao động rất thuận lợi, dễ dàng.

Quan tâm chế độ quyền lợi cho người lao động là trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Ảnh: Đinh Yến

Quan tâm chế độ quyền lợi cho người lao động là trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Ảnh: Đinh Yến

Tuy nhiên, trước đây, Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi người lao động đã điều trị ổn định thương tật. Vì vậy, một số doanh nghiệp né tránh thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động tham gia Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Khắc phục điều này, Sở phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng lao động về ý nghĩa nhân văn khi tham gia Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Cùng với đó, chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016). Vì thế, việc giải quyết chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN đối với người lao động càng chính xác và kịp thời.

Cũng theo ông Hải, hiện nay, một số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động chậm khai báo, dẫn đến việc thanh tra, lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ-BNN chưa kịp thời. Đến khi người lao động khiếu nại thì các đơn vị liên quan mới giải quyết hồ sơ.

“Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN. Nếu không đóng BHXH, chẳng may người lao động bị TNLĐ-BNN thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hàng tháng, 1 lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan BHXH. Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN không chỉ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động mà còn là “bà đỡ” cho doanh nghiệp khi công nhân không may bị TNLĐ-BNN”-ông Hải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm