Kinh tế

Doanh nghiệp

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyển đổi số (Digital transformation) là tích hợp, áp dụng công nghệ số để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp (DN). Hòa cùng xu thế đó, Gia Lai cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển công nghệ số. 
Cần thiết chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội thảo đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với DN Việt Nam, bà Bùi Thu Thủy-Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: “Chuyển đổi số với các hoạt động như số hóa dữ liệu, số hóa quản lý, sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh là giải pháp mà các DN không thể không triển khai để nâng cao năng lực, tạo thêm giá trị mới cho DN”.
Tuy nhiên, theo ông Dương Dã-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: “Việc chuyển đổi số trong DN và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa được chú trọng để nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa lợi nhuận”. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.990 DN đang hoạt động nhưng chỉ khoảng 5% trong số này ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Long-Giám đốc Công ty TNHH Thành Long (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho biết: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Khi mới thành lập, chúng tôi cũng khá lúng túng và bị động trong việc ứng dụng công nghệ số, chưa biết bắt đầu từ đâu, dùng công nghệ nào. Tôi còn ngại nếu chọn nhầm nhà tư vấn và sử dụng chương trình không phù hợp rất có thể bị rò rỉ thông tin. Nói chung có rất nhiều băn khoăn”.
Các ngân hàng thương mại bảo đảm cung ứng tốt dịch vụ thanh toán điện tử. Ảnh: Sơn Ca
Các ngân hàng thương mại bảo đảm cung ứng tốt dịch vụ thanh toán điện tử. Ảnh: Sơn Ca
Trong khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) năm 2021, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã đặt câu hỏi đối với DN về nhận định “Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có đổi mới, thử nghiệm áp dụng, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chính quyền số... trong các hoạt động liên quan đến DN” thì có 8% DN cho rằng áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin không mang lại sự thuận lợi khi thực hiện các công việc với các sở, ban, ngành và cấp huyện tại tỉnh; 50% DN trong số đó cho biết nguyên nhân là do gặp khó khăn bởi đã quen với cách làm thủ tục trực tiếp như trước đây; 46% cho biết gặp khó khăn về kỹ thuật khi áp dụng công nghệ vào thực hiện thủ tục, công việc. Điều này cho thấy việc tiếp cận công nghệ số của DN vẫn còn nhiều hạn chế. 
Cùng vào cuộc
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2415/KH-UBND về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống người dân; trong đó sẽ tập trung phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 15% GRDP của tỉnh.
Theo ông Đặng Quang Khanh-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Để hỗ trợ DN chuyển đổi số, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số, bởi đây là một phần để phát triển kinh tế số. Sở cũng dự thảo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của DN. Hiện tại, nhiều đơn vị hỗ trợ DN chuyển đổi số như: Viettel, VNPT...; rồi các bộ, ngành cũng có những chương trình cụ thể để hỗ trợ DN trong công tác này. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Bộ Thông tin và Truyền thông có các nền tảng số để hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ DN chuyển đổi số bằng cách giới thiệu các nền tảng số cần thiết, ưu việt cho DN”. 
VNPT Gia Lai ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 6 doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
VNPT Gia Lai ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 6 doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN chuyển đổi số, ông Lương Mười-Giám đốc VNPT Gia Lai-chia sẻ: “VNPT đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. Hiện VNPT đã phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, sản phẩm công nghệ thông tin đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, một số ứng dụng của VNPT đã triển khai ở 63 tỉnh, thành với quy mô cấp quốc gia như hệ thống dịch vụ công quốc gia; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; các sản phẩm, dịch vụ thông minh phục vụ cho tất cả các lĩnh vực như: đào tạo, quản lý, chăm sóc sức khỏe; ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao với thương hiệu và danh tiếng đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế như hệ sinh thái y tế điện tử, hệ sinh thái giáo dục thông minh, giải pháp nông nghiệp thông minh-VNPT Smart Agri...”.
Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP của tỉnh; góp phần nâng năng suất lao động hàng năm tăng 5-10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 15% GRDP của tỉnh; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 6-8%.
Về việc chuyển đổi số của DN, Giám đốc VNPT Gia Lai cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, là nền tảng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt góp phần quan trọng giúp cho các DN thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19. “Chúng tôi luôn đồng hành cùng chính quyền tỉnh cũng như cộng đồng DN trong công cuộc chuyển đổi số”-ông Lương Mười khẳng định. 
Viettel Gia Lai ký kết hợp tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Viettel Gia Lai ký kết hợp tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Trên thực tế, không ít DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối. Ông Nguyễn Trọng Giàu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giàu Nguyễn (TP. Pleiku) cho biết: “Trong 2 năm qua, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài việc hoàn thiện các trang-thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao tiếp, kết nối và tương tác với khách hàng, chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin mới và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để đưa sản phẩm ra thị trường. Chuyển đổi số trong DN còn có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng DN số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới như: big data, IoT, điện toán đám mây... nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc cũng như xây dựng văn hóa lao động trong DN”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm